Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu nhóm di tích Hòa Bình sớm ở Bắc Việt Nam ”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu nhóm di tích Hòa Bình sớm ở Bắc Việt Nam ”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

14/12/2024

Ngày 13/12/2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu nhóm di tích Hòa Bình sớm ở Bắc Việt Nam” do TS. Phạm Thanh Sơn làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Nghiên cứu văn hóa/kỹ nghệ Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn không chỉ đối với nghiên cứu thời đại Đá ở Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, xác định và làm rõ đặc trưng các kỹ thuật chế tác ở giai đoạn sớm từ khoảng >42.000 calBP tới ~20.000 calBP và tính kế thừa của nó đối với các di tích sau 20.000 calBP vẫn là một khoảng trống, cần nhiều nỗ lực nghiên cứu trong nhiều năm nữa.

Từ những năm 1980 đến nay, kết quả nghiên cứu trên nhiều khía cạnh đã mang lại nhiều nhận thức mới về thời điểm xuất hiện, quá trình hình thành, không gian và mật độ phân bố di tích, cơ cấu bữa ăn, bối cảnh cổ khí hậu, cổ môi trường của văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy vậy, các nghiên cứu tổng hợp và chuyên sâu về sự phát triển của các kỹ thuật chế tác Hòa Bình giai đoạn sớm trước 20.000 calBP được kế thừa như thế nào ở các di tích giai đoạn muộn sau 20.000 calBP gần như chưa có một công trình nào nghiên cứu, làm rõ.

Do đó sự cần thiết phải nghiên cứu toàn diện, chi tiết các kỹ thuật chế tác tương ứng với loại hình hiện vật đá giai đoạn này cũng như tìm hiểu sự đa dạng trong hành vi chế tác, sử dụng công cụ đá gắn với điều kiện cổ khí hậu, môi trường là hết sức cần thiết.

TS. Phạm Thanh Sơn, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

Từ những thực tiễn trên, đề tài “Nghiên cứu nhóm di tích Hòa Bình sớm ở Bắc Việt Nam ”, đã được thực hiện một cách rất công phu. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.

Trong chương 1, kết quả nghiên cứu về cảnh quan địa mạo, hệ thống thủy văn, một số vấn đề lịch sử nghiên cứu, thành tựu và hạn chế đã được đề cập và phân tích rất cụ thể.

Chương 2: Đặc trưng di tích và niên đại.

Trong chương này, một số khía cạnh như địa bàn phân bố, các loại hình di tích và vấn đề khung niên đại hệ thống các di tích Hòa Bình sớm trong tình hình nghiên cứu hiện nay ở trong nước và khu vực đã được đề cập rất chi tiết.

Chương 3: Đặc trưng di vật và kỹ thuật chế tác đá.

Trong khung niên đại từ >42.000 calBP tới 20.000 calBP, kết quả nghiên cứu về loại hình di vật của nhóm công cụ hạch định hình/không định hình, công cụ cuội bổ định hình/không định hình gắn với các kỹ thuật chế tác có thể nhìn thấy sự phát triển, tiến hóa của kỹ nghệ chế tác đá Hòa Bình nói chung. Cùng với các phương pháp và kỹ thuật chế tác sơ giản ở giai đoạn sớm, trong quá trình thích nghi và phát triển một số phương pháp và kỹ thuật mới được phát minh như kỹ thuật bổ cuội, kỹ thuật nghiền tinh bột. Đối với kỹ thuật tách mảnh, bên cạnh các kỹ thuật ghè trực tiếp một mặt giai đoạn sớm cũn ghi nhận kỹ thuật ghè hai mặt nhưng chúng chỉ ở dạng ‘rất sơ khai’. Các mảnh tước nhỏ cũng được sử dụng để tu chỉnh ghè hoặc ép thành các công cụ mảnh. Tuy nhiên, nhóm công cụ hạch cuội định hình/khong định hình cùng với các công cụ chế tác từ mảnh cuội bổ định hình mới là những loại hình hiện vật đặc trưng, mang tính chất nhận diện kỹ nghệ/văn hóa của kỹ nghệ chế tác đá Hòa Bình cuối Pleistoence tới Holocene sớm.

Chương 4: Mối quan hệ với kỹ nghệ Ngườm và vấn đề hậu kỳ Đá cũ Việt Nam.

Trong chương 4, các tác giả đã tiến hành phân tích so sánh một số mối quan hệ văn hóa/kỹ nghệ của hệ thống của các di tích Hòa Bình sớm với kỹ nghệ Ngườm giai đoạn cuối Pleistocene về không gian phân bố, niên đại khởi điểm với quá trình phát triển, đặc trưng loại hình di vật với kỹ thuật chế tác đá đã được làm rõ. Kết quả cho thấy, không gian phân bố của kỹ nghệ Ngườm và Hòa Bình không giống nhau. Nếu kỹ nghệ Ngườm hiện nay chỉ được phát hiện tại Thần Sa với hai di chỉ thì sự phân bố của văn hóa/kỹ nghệ Hòa Bình trên phạm vi toàn bộ Đông Nam Á và một phần của Nam Trung Quốc. Niên đại xuất hiện của kỹ nghệ Hòa Bình tương đương giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của kỹ nghệ Ngườm cuối Pleistocene, dao động từ > 41.000 calBP tới 20.000 calBP. Sau thời điểm 30.000 calBP, giữa hai kỹ nghệ này có sự tưng tác qua lại rất rõ ràng với các công cụ đặc trưng của phương pháp chế tác đá Hòa Bình tìm thấy trong lớp văn hóa trên cùng. Điều đó cũng gián tiếp khẳng định, niên đại của kỹ nghệ Hòa Bình chắc chắn phải trên dưới 3 vạn năm.

Quá trình phát hiện và nghiên cứu hệ thống các di tích Hòa Bình sớm có thể phân chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1968 tới 2000 và giai đoạn thứ hai từ 2004 tới nay.

Về địa hình và không gian phân bố. Các di tích Hòa Bình sớm có thể phân chia thành 03 nhóm dựa vào cao độ địa hình. Nhóm 1 có độ cao so với mực nước biển dao động từ 330.0m tới 530.0m, bao gôm mái đá Thẩm Khương và hang Thẩm Tâu. Nhóm hai có độ cao từ 140.0 tới 212.0 so với mực nước biển, gồm mái đá Phứng Quyền, Con Moong, hang Diêm, hang Đội 4, mang Chiêng Nhóm thứ ba phân bố ở độ cao từ 55.0m tới 85.0m, bao gồm hang Chổ và mái đá Thung Lau.

Với hơn 10 di tích Hòa Bình sớm cho thấy, niên đại cư trú sớm hay muộn của các hang động hoặc mái đá không phụ thuộc vào cao độ của di chỉ so với mực nước biển hay mặt bằng thung lũng. Cùng với sự khác biệt về cao động địa hình, di tích Hòa Bình cũng có những thuận lợi và thách thức về hệ thống thủy văn trong quá khứ. Sự phân bố của các di chỉ gần hay xa sông/suối lớn cũng là một yếu tố cho thấy sự đa dạng về hành vi của cư dân tiền sử. Kết quả nghiên cứu các di tích Hòa Bình sớm như Con Moong, Phứng Quyền và mái đá Thẩm Khương đã phản ánh điều đó. Tới các di tích khởi đầu ở thời điểm ~30.000 calBP có tầng văn hóa tới 20.000 calBP hoặc thậm chí tới Holocene sớm, những hành vi ứng xử về kỹ thuật và loại hình công cụ đá đều cho thấy điều kiện tự nhiên có sự chi phối mạnh mẽ tới các hành vi cư trú và sử dụng nguyên liệu của cư dân Hòa Bình qua chiều dài thời gian. Đây cũng là một trong những đóng góp đáng kể của quá trình nghiên cứu các di tích Hòa Bình sớm trong hơn hai thập kỉ đầu của thế kỉ XXI.

Cùng với những thành tựu to lớn đối với việc xác lập và củng cố sự hiện diện một kỹ nghệ chế tác đá độc đáo trên toàn bộ Đông Nam Á nhưng một số hạn chế và lạc hậu trong phương pháp nghiên cứu tiền sử học nói chung đã khiến khảo cổ học Việt Nam đang đánh mất đi vị thế của mình trong bức tranh chung nghiên cứu về tiền sử khu vực.

Cùng với một số yếu tố về vai trò của điều kiện tự nhiên, vấn đề không gian phân bố, đặc trưng di tích, hệ thống niên đại cũng cung cấp nhiều dữ liệu mới, giúp việc nhận thức sự xuất hiện của kỹ nghệ Hòa Bình ở Việt Nam được cụ thể và khách quan hơn.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Đề tài đã làm rõ đặc trưng và quá trình tiến hóa của các kỹ thuật chế tác đá trong các sưu tập hiện vật đá của các di tích được khai quật và nghiên cứu thuộc văn hóa Hòa Bình có niên đại từ >42.000-20.000BP ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Điện Biên. Đề tài đã mang lại những kết quả tích cực, có đóng góp cụ thể đối với nghiên cứu toàn bộ hệ thống giai đọan đoạn hậu kỳ Đá cũ ở miền Bắc.

Đề tài là một công trình nghiên cứu chuyên sâu và tập trung giải quyết một khía cạnh rất cơ bản về kỹ thuật chế tác đá Hòa Bình trong khung niên đại từ >42.000BP tới 20.000BP ở Việt Nam. Đây là giai đoạn có tính chất bản lề, đặt cơ sở quan trọng vào sự phát triển và gia tăng nhân khẩu học, vấn đề sử dụng đất cũng như mở rộng không gian phân bố của văn hóa/kỹ nghệ Hòa Bình trong bước chuyển từ cuối Pleistocene sang Holocene.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài rất hũu ích, có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

PV.

Các tin đã đưa ngày: