Đề tài đi sâu tìm hiểu thực trạng truyền thông và vai trò, tác động của truyền thông ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai.
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, báo cáo tổng hợp của đề tài được chia thành 4 chương.
Chương 1. Thực trạng truyền thông ở các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. Tại chương này, đề tài đã đi sâu đánh giá, phân tích các hoạt động truyền thông chính thức đến vùng biên giới từ các chính sách và hoạt động truyền thông của nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, các hoạt động truyền thông phi chính thức của người dân địa phương và các tổ chức, cá nhân khác, năng lực tiếp nhận và sự lựa chọn tiếp nhận truyền thông của người Giáy và người Hmông - hai tộc người tiểu số có dân số lớn ở vùng biên giới tỉnh Lào Cai và đưa ra những nhận định về hiệu quả tác động nhận thức của truyền thông đến các tộc người ở khu vực biên giới tỉnh Lào Cai.
Chương 2. Thực trạng ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở đi sâu đánh giá, phân tích các hoạt động truyền thông chính thức đến vùng biên giới từ các chính sách và hoạt động truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc ở chương 1, ở chương 2 đề tài phân tích đánh giá thực trạng ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc qua nhận thức của họ về quốc gia Việt Nam, về biên giới quốc gia, hệ thống luật pháp, quyền công dân, hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ quốc gia, tình cảm đối với quốc gia - dân tộc, sự hiểu biết, tham gia và phản biện về chính sách xã hội, những nhận thức tham gia và đánh giá hệ thống giáo dục quốc gia. Ngoài ra, ở chương này đề tài cũng tìm hiểu thực trạng những mối quan hệ đồng tộc, thân tộc và các mối quan hệ xã hội khác nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội đến ý thức quốc gia Việt Nam ở các dân tộc thiểu số các tộc người ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai.
Chương 3. Tác động của truyền thông đến sự nhận thức về ý thức quốc gia của một số tộc người thiểu số cùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. Ở chương này, nhóm tác giả đề tài tập trung vào phân tích những tác động của truyền thông, tác động tích cực, tác động tiêu cực, đến nhận thức về ý thức quốc gia dân tộc và ý thức dân tộc xuyên quốc gia của một số tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai.
Chương 4. Những vấn đề đặt ra và đề xuất khuyến nghị về chính sách truyền thông để củng cố có ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích những tác động của truyền thông có tác động đến nhận thức của một số tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai về ý thức quốc gia dân tộc, ở chương 4 nhóm tác giả đưa ra những vấn đề đặt ra và đề xuất khuyến nghị về chính sách truyền thông để củng cố ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đề xuất một số khuyến nghị về chính sách và một số giải pháp để thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động truyền thông để tăng cường và củng cố ý thức quốc gia của một số tộc người thiểu số sinh sống ở vùng biên giới, góp phần vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ vững chắc biên cương của đất nước.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn và có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thực trạng truyền thông và vai trò, tác động của truyền thông đến ý thức quốc gia của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. Từ đó đưa ra những luận cứ khoa học góp phần đổi mới các chính sách, cách thức và nội dung truyền thông và quản lý xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập.
Nguyễn Thùy Trang