Ứng dụng phương pháp địa vật lý khảo sát khảo cổ học dưới nước vụng biển Dung Quất, Quảng Ngãi
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Ứng dụng phương pháp địa vật lý khảo sát khảo cổ học dưới nước vụng biển Dung Quất, Quảng Ngãi

23/12/2022

Sáng ngày 21/12/2022, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Khảo sát khảo cổ học dưới nước vụng biển Dung Quất, Quảng Ngãi ứng dụng phương pháp địa vật lý” do TS. Trần Quý Thịnh làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan chủ trì.

Vụng biển Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi là một khu vực có vị trí trọng trên con đường thương mại qua biển Đông từ Trung Quốc, Nhật Bản tới các quốc gia Đông Nam Á, từ đó đi xa hơn tới Ấn Độ, Tây Á. Tại đây, cho đến nay đã phát hiện được dấu vết của con tàu đắm cổ Tuyết Diêm 3 có niên đại từ thế kỷ XV - XVII. Cùng với những phát hiện ở khu vực vịnh Bình Châu liền kề là tàu đắm Châu Tân có niên đại thế kỷ IX, tàu đắm Bình Châu niên đại thế kỷ XIII - XIV. Bên cạnh đó, khu vực này cũng phát hiện được hai neo thuyền mang phong cách Ả Rập niên đại thế kỷ thứ VII-VIII, 1 neo thuyền mang phong cách Đông Nam Á niên đại thế kỷ XIX và nhiều đồ gốm sứ có niên đại thời Đường, Minh Thanh. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần nghiên cứu lịch sử hàng hải, lịch sử gốm sứ, mối quan hệ ngoại thương, vai trò của miền Trung Việt Nam trong tuyến thương mại Biển Đông thời cổ...

Do vậy, việc khảo sát đánh giá tiềm năng di sản văn hóa ở khu vực này sử dụng những phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học tự nhiên trong đó có địa vật lý biển là rất cần thiết.

Đề tài ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung được kết cấu thành 3 chương: Chương 1. Tổng quan Tư liệu; Chương 2. Kết quả khảo sát khảo cổ học dưới nước vụng biển Dung Quất; Chương 3. Nhận thức về hệ thống di tích khảo cổ học dưới nước ở vụng biển Dung Quất. Ngoài ra, trong báo cáo còn có các phần: Phụ lục minh hoạ gồm: 01 bảng thống kê tọa độ GPS những điểm khảo sát, 5 trang bản đồ và sơ đồ, 150 trang bản ảnh.

Sau thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, Dung Quất, Bình Châu và vùng phụ cận tiếp tục là địa bàn cư trú của những cộng đồng cư dân cổ. Tại đây chúng ta đã biết đến những di tích văn hóa ChamPa hay thời kỳ lịch sử sau này như thành Châu Sa, Phú Thọ - Cổ Lũy, tháp Gò Phố, núi Chồi, Đồng Nghệ… Trong đó, có những địa điểm là trung tâm trao đổi buôn bán giao thương, giao lưu văn hóa, có mối quan hệ với nhiều vùng, khu vực trong và ngoài nước.

Triển khai các phương pháp địa vật lý ở khu vực vụng biển Dung Quất năm 2022, kết quả nhận dạng dị thường trên tài liệu sonar quét sườn đã cung cấp được 13 điểm dị thường cần được kiểm tra bằng các phương pháp khảo cổ học dưới nước. Trong đó, đáng lưu ý nhất là điểm dị thường 1 có triển vọng nhất với việc phát hiện được hình thái của các phản xạ đáy biển có hình dạng oval đặc trưng có một kiểu hình dáng thuyền, có kích thước phù hợp với kích thước của thuyền gỗ.

Kết quả khảo sát khu vực ven bờ và vùng phụ cận cho những kết quả về di tích và di vật của văn hóa ChamPa và giai đoạn cận trung đại. Kết quả của cuộc khảo sát khảo cổ học dưới nước đã thu được những kết quả khả quan. Những dấu hiệu về một con tàu đắm cổ khác cùng ở khu vực mặt cảng Hào Hưng đã đang ngày một rõ ràng hơn qua các số liệu khảo sát cũng như phát hiện đồ gốm sứ cùng loại và có thể muộn hơn so với đồ tàu Tuyết Diêm 3. Chúng ta có thể đưa ra những nhận xét đánh giá về những di tích khảo cổ học dưới nước ở vụng Dung Quất trong bối cảnh di sản tàu đắm ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và rộng hơn, bao gồm cả hai mặt về phương diện văn hóa và phương diện thực tiễn.

Trong một vài nghiên cứu trong nước gần đây bên cạnh các phương pháp truyền thống chúng ta đã áp dụng một số phương pháp tiếp cận có sự tham gia của khoa học tự nhiên, trong đó có phương pháp khảo sát địa vật lý như sử dụng máy quét sóng âm, máy cảm ứng từ cho phép các nhà khảo cổ học có thể tiến hành điều tra khảo sát đánh giá một cách có hệ thống mà không xâm hại di tích. Tuy nhiên những kết quả điều tra khảo sát địa vật lý thường không đơn giản lý giải vì vậy nó cần có những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc phân tích xử lý dữ liệu. Có nhiều loại yếu tố mà nó chi phối kết quả của một quá trình kháo sát viễn thám. Thường không đơn giản để dự đoán trước được kết quả khảo sát cho đến khi từng loại trang thiết bị được sử dụng và dữ liệu được đánh giá tại từng địa điểm cụ thể. Chính vì tính đặc thù với những yếu tố mang tính chuyên ngành nên các công tác phối hợp mang tính liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam còn rất yếu.

Trên cơ sở các kết quả nghiên, từ kết quả thu được, đề tài đưa ra một số kiến nghị như sau: (1) Cần tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác, khai thác các ứng dụng của khoa học tự nhiên trong đó có các phương pháp địa vật lý trong công tác khảo sát, thám sát khảo cổ học dưới nước ở khu vực biển Quảng Ngãi nói riêng và trên lãnh hải Việt Nam; (2) Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tiến hành lặn khảo sát sử dụng bình khí nén kết hợp thám sát diện tích nhỏ ở những khu vực nghi vấn, đặc biệt điểm dấu vết nghi vấn về con tàu gỗ ở độ sâu dưới 20m khu vực mặt cảng Hào Hưng, thuộc vịnh Dung Quất để kiểm chứng kết quả của đợt khảo sát; (3) Hiện nay, các hoạt động nạo vét khai thông luồng lạch để phục vụ cho các tàu lớn qua lại cảng Dung Quất, cũng như lấn biển tạo mặt bằng xây dựng các cảng biển của các tập đoàn kinh tế lớn đang diễn ra hàng ngày ở vịnh Dung Quất. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng quan tâm đến công tác giám sát, theo dõi các thông tin liên quan đến phát hiện di tích và di vật tàu đắm ở vịnh Dung Quất. Triển khai được các hoạt động này không chỉ mang lại nhiều thông tin quan trọng cho việc triển khai khảo sát cũng như nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước ở Dung Quât, góp phần nghiên cứu lịch sử hàng hải, kỹ thuật đóng tàu thuyền, vị trí của vụng biển Dung Quất nói riêng và Việt Nam nói chung trong tuyến thương mại Biển Đông thời cổ... mà còn góp phần đào tạo, nâng cao năng lực về khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; (4) Viện Khảo cổ học cần kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng một chương trình phát triển khảo cổ học dưới nước mang tính chiến lược với các chính sách hỗ trợ và cho phép đặc thù đối với khảo cổ học dưới nước, sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các đơn vị quản lý ở địa phương, nhằm giúp hoạt động nghiên cứu khảo cổ học dưới nước đạt được hiệu quả cao và có khả năng hội nhập khu vực.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn./.

PV.

 

Các tin đã đưa ngày: