Ngày 17/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Triển khai thực hiện Chương trình hành động, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội”, làm cơ sở khoa học để hoạch định và đánh giá hiệu quả thực hiện các chiến lược, chính sách của Chính phủ. Các chỉ tiêu và Bộ chỉ số được xây dựng cho phép kết nối hiệu quả hơn các nguồn lực an sinh xã hội và đặt nội dung phát triển xã hội vào trung tâm của các chiến lược và chính sách.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe… với nhiều chỉ tiêu cụ thể cho đến năm 2025 và 2030. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là “Mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hiện nay đã có khá nhiều số liệu và chỉ số liên quan đến phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Đó chủ yếu là các nguồn số liệu do các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, hay các tổ chức quốc tế (WHO, UNDP, UNFPA, World Bank,…) công bố. Tuy nhiên nhìn chung, các số liệu này vẫn thường thiếu hụt, không đầy đủ hoặc không nhất quán, thiếu tính hệ thống, và rất ít khi được công bố dưới dạng những chỉ số hoặc bộ chỉ số tổng hợp. Hầu hết các chỉ số về hệ thống y tế đều mang tính định lượng trong khi có rất ít chỉ số phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe, không ít chỉ tiêu được đặt ra nhưng không có dữ liệu bởi không thể thu thập thông tin tương ứng. Cho đến nay vẫn chưa có bộ chỉ số tổng hợp về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.
Trước những vấn đề nêu trên, việc rà soát và xây dựng bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đầy đủ, nhất quán và hệ thống hơn là rất quan trọng và cần thiết trong việc cung cấp những bằng chứng thực tiễn xác thực cho xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh quốc gia. Vì vậy, đề tài nhiệm vụ “Xây dựng bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe” được thực hiện là cần thiết và có tính thực tiễn cấp bách. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở ba chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn
Dựa trên đề xuất của Papanicolas và Smith (2013) và khung cấu trúc hệ thống y tế của WHO, các kinh nghiệm quốc tế cũng như xem xét yêu cầu và điều kiện số liệu và chính sách ở Việt Nam, bộ chỉ số về Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe được đề xuất bao gồm hai cấu thành chính là “Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe” và “Sức khỏe dân số”. Trong đó, “Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe” bao gồm ba chiều cạnh chính: Nguồn lực (yếu tố đầu vào); Dịch vụ (yếu tố đầu ra); Công bằng tài chính. Cấu thành thứ hai “Sức khỏe dân số” phản ánh kết quả của hệ thống, bao gồm hai chiều cạnh: Tình trạng sức khỏe và Hành vi sức khỏe. Mỗi chiều cạnh nêu trên sẽ được đo lường bằng một số chỉ báo cụ thể.
Chương 2: Xây dựng bộ chỉ số về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe
Trong chương này các tác giả tập trung vào việc xác định các chỉ báo, thông tin, số liệu cần có; xây dựng cách tính và tổng hợp bộ chỉ số.
Chỉ số tổng hợp cũng như các chỉ số thành phần và các chỉ báo được chuẩn hóa về giá trị từ 0 đến 100 bằng phương pháp min-max (OECD, 2008; UNDP, 2020). Cụ thể với mỗi chỉ báo hay chỉ số đều cần xác định các giá trị tối thiểu (min) và tối đa (max) sao cho khoảng cách giữa 2 giá trị này gần nhất nhưng luôn bao trùm phân bố của số liệu tương ứng toàn quốc và các tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Đồng thời, việc xác định các giá trị tối đa cũng dựa trên các chỉ tiêu tương ứng được đặt ra trong các chiến lược hay chương trình mục tiêu quốc gia.
Có nhiều phương pháp tổng hợp chỉ số chung từ các chỉ báo hay chỉ số thành phần, nhưng hai phương pháp đơn giản và phổ biến nhất là tính trung cộng và trung bình nhân. Với phương pháp trung bình nhân, đang được sử dụng để tổng hợp chỉ số HDI (UNDP, 2020), chỉ số tổng hợp phản ánh được cả mức độ cân bằng giữa các chỉ số thành phần và thường nhỏ hơn chỉ số tổng hợp bằng trung bình cộng.
Chương 3: Thử nghiệm và đề xuất bộ chỉ số về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe
Trên cơ sở khung cấu trúc bộ chỉ số được đề xuất và các nguồn dữ liệu đã rà soát, thu thập và tổng hợp trong Chương 2, trong chương này các tác giả tập trung vào việc thử nghiệm, tính toán đưa ra chỉ số Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe cho những địa bàn và khoảng thời gian nhất định. Tập trung từ các số liệu tổng hợp, chọn lọc ra các chỉ báo cần thiết để tính thử chỉ số cho Hải Dương, Trà Vinh và toàn quốc.
Bộ chỉ số nhìn chung phản ánh được thực trạng các cấu thành và vai trò, hoạt động cơ bản của lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa bao hàm được thực trạng sức khỏe dân số Việt Nam, đồng thời đảm bảo tính khoa học, tin cậy, đơn giản và hiệu quả khả thi khi áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước.
Nhiệm vụ xây dựng và thử nghiệm Bội chỉ số Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe là rất cần thiết để góp phần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về an sinh xã hội và phát triển xã hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Y tế và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực rất rộng với nhiều chiều cạnh, đa dạng tùy theo góc nhìn, quan điểm và mục tiêu cụ thể. Các phương pháp tính toán xử lý số liệu cũng khá phong phú với những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Nguồn số liệu sẵn có của Việt Nam khá phong phú nhưng không đủ cho xây dựng Bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe.
Từ yêu cầu thực tiễn và tiếp thu kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhiệm vụ đã đề xuất khung cấu trúc Bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe khả thi, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của chương trình Xây dựng bộ chỉ số an sinh, bao gồm hai cấu thành chính là “Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe” và “Sức khỏe dân số”. Trong đó, “Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe” bao gồm ba chiều cạnh chính: nguồn lực, dịch vụ y tế và CSSK, công bằng tài chính. Cấu thành thứ hai “Sức khỏe dân số” bao gồm hai chiều cạnh: tình trạng sức khỏe và hành vi sức khỏe. Tất cả được xây dựng từ 24 chỉ báo cụ thể sẵn có hoặc có thể tính toán hay thu thập được ở Việt Nam.
Từ những kết quả thu được nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, đó là: (i) Đề nghị xem xét tiếp tục đánh giá, thử nghiệm Bộ chỉ số với các địa bàn khác nhau để tiếp tục hoàn thiện chính thức áp dụng trong thực tiễn; (ii) Có cơ chế để có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn số liệu thống kê (iii) Tổng cục Thống kê nên công bố thêm các chỉ tiêu thống kê cần thiết cho bộ chỉ số phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe có thể ước lượng từ các điều tra quốc gia hay các nguồn số liệu thống kê khác; (iv) Cần tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và thử nghiệm các phương pháp, giải pháp xây dựng bộ chỉ số quốc gia, trong đó cơ chế phối hợp và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài, các dữ liệu được tổng hợp sẽ làm căn cứ cho việc tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách liên quan và đề xuất các khuyến nghị xây dựng các chính sách phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn tới. Đề tài có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.