Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân yếu thế trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của nông thôn Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân yếu thế trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của nông thôn Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020

11/10/2012

Đề tài độc lập cấp Bộ do GS.TS. Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý làm chủ nhiệm được Viện Khoa học xã hội Việt Nam nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân yếu thế trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của nông thôn Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020

Đề tài đã tập trung nghiên cứu nhằm xác định những vấn đề lý luận, như các khái niệm thích ứng xã hội, nhóm xã hội yếu thế; Các chủ trương, chính sách đối với nhóm nông dân yếu thế; Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và sự thích ứng của các nhóm nông dân yếu thế.

Điều tra thực trạng việc ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách đối với nhóm nông dân yếu thế và mức độ tác động của các cơ chế, chính sách đối với việc thích ứng xã hội của nhóm nông dân yếu thế ở nước ta hiện nay, chỉ ra nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng xã hội này.

Qua đó đề xuất các kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm giúp đỡ nhóm nông dân yếu thế thích ứng tốt hơn với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Theo tác giả, những người nông dân yếu thế thuộc nhóm xã hội đặc biệt, luôn cần sự quan tâm và giúp đỡ của xã hội bởi họ là những người gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, trong cuộc sống và trong hoạt động xã hội. Họ là những người nghèo khổ nhất, luôn thiếu vốn, thiếu năng lực sản xuất và tổ chức cuộc sống. Họ không có sức lao động, vì đó là những người bị bệnh tật, già yếu.

Các nhóm nông dân yếu thế do hạn chế về năng lực sản xuất như thiếu vốn, thiếu đất, thiếu sức lao động, thiếu kiến thức sản xuất… là những nhóm rất khó khăn trong việc thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay. Sự thích ứng này là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu giúp họ phát triển sản xuất và tổ chức cuộc sống gia đình, giúp vượt qua những trở ngại, khó khăn để hòa nhập và tồn tại một cách có hiệu quả. Các nhóm này rất cần được sự giúp đỡ, quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp các nhóm nông dân yếu thế phát triển sản xuất, song do những lý do khách quan và chủ quan mà hiệu quả của sự hỗ trợ này vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Tác giả đề tài đã tiến hành khảo sát trên 1.000 nông dân và cán bộ quản lý địa phương tại 3 xã của Hà Nội, Hòa Bình và Thái Bình bằng các phương pháp như phỏng vấn sâu, quan sát, điều tra bằng bảng hỏi, nghiên cứu tài liệu thứ cấp… Các số liệu điều tra được xử lý bằng phương pháp toán thống kê SPSS. Qua kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất một số định hướng có tính chiến lược và một số kiến nghị cụ thể để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn, giúp cho các hộ nông dân yếu thế có thể xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất tốt hơn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Nguyễn Vũ

 

File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: