Đề tài cấp Bộ “Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ tại Thư viện Khoa học xã hội: một số giá trị, thực trạng bảo quản và kế hoạch khai thác” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ tại Thư viện Khoa học xã hội: một số giá trị, thực trạng bảo quản và kế hoạch khai thác” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

03/05/2017

Chiều ngày 18 tháng 4 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ tại Thư viện Khoa học xã hội: một số giá trị, thực trạng bảo quản và kế hoạch khai thác” do PGS.TS. Lê Thị Lan làm chủ nhiệm, Viện Thông tin Khoa học xã hội là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

PGS.TS Lê Thị Lan trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng    

Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu một số giá trị điển hình trong bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ tại thư viện KHXH và đánh giá thực trạng công tác bảo quản, khai thác kho tư liệu này từ trước đến nay; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp bảo quản, khai thác bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ một cách hiệu quả nhất. Từ cách tiếp cận thư viện học, văn bản học và văn hóa học, Đề tài tập trung vào đối tượng nghiên cứu là các giá trị của Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ trong Thư viện KHXH cũng công tác bảo quản và khai thác bộ sưu tập này.


Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 3 chương:

Chương 1 – Khái quát về bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ - Giới thiệu khái quát về  Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ tại Thư viện Khoa học xã hội và phân tích thực trạng khai thác tài liệu này trong thời gian qua tại Thư viện;

Chương 2 – Một số giá trị cơ bản của bộ sách Trung Quốc cổ -  Khảo sát, phân loại các chủ đề được đề cập trong Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ, qua đó nhận định một số giá trị cơ bản của tài liệu, như: giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng;

Chương 3 – Đề xuất giải pháp bảo quản, khai thác bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ - Đề xuất một số nhóm giải pháp về bảo quản và khai thác Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ như: số hóa, phục chế, xây dựng kho lưu trữ.

Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ  hiện đang được lưu giữ tại Thư viện KHXH là một trong những bộ sưu tập vô cùng quý giá thuộc lĩnh vực Đông phương học. Bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ là kết quả sưu tầm, mua, sao chép, trao đổi tại Đông Dương và các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ … . trong hơn nửa thế kỷ tồn tại của EFEO trước năm 1954 tại Hà Nội. Bộ sưu tập này bao chứa rất nhiều giá trị về các lĩnh vực địa lý, lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, dân tộc học… của Trung Quốc và các nước liên quan như Việt Nam. Các thông tin, tri thức trong các cuốn sách thuộc kho Trung Quốc cổ mang chứa các giá trị văn hóa vô giá và bản thân các bộ sách cổ chính là các giá trị văn hóa quý giá. Tại đây có đầy đủ các bộ sách kinh điển của các tôn giáo lớn nhất của Trung Quốc và sách chú giải các kinh điển này qua các thời kỳ lịch sử. Các sách kinh điển là văn bản chứa đựng tư tưởng, triết học đầu tiên của dân tộc, còn các sách chú giải vừa góp phần làm rõ tư tưởng triết học, tôn giáo trong các kinh điển lại vừa thể hiện sự nhận thức và phát triển các tư tưởng từ nguyên thủy cho đến thời kỳ được chú giải. Chính những giá trị quý báu đó, nhóm tác giả đã phân tích, nghiên cứu nhằm đưa ra một số giải pháp bảo quản và khai thác phù hợp trong thời gian tới, cụ thể như: Hoàn thiện CSDL thư mục sách Trung Quốc cổ theo các chuẩn quốc tế đang áp dụng tại Thư viện KHXH hiện nay tạo điều kiện cho việc tiếp cận Bộ sưu tập trên mạng interrnet;  Tổ chức dịch một số bộ sách có giá trị lớn; Quảng bá giá trị của Bộ sưu tập trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức trao đổi, dịch vụ các sản phẩm số hóa, dịch thuật thuộc Bộ sưu tập, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

  Toàn cảnh buổi nghiệm thu  

Đề tài được nhóm tác giả thực hiện công phu và nghiêm túc túc từ việc mô tả khái quát cũng như đánh giá các giá trị của nó. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đáp ứng bước đầu những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác khuyến khích, thúc đầy việc khai thác hiệu quả và sáng tạo những bộ sưu tập sách quý hiếm thuộc sở hữu của Thư viện Khoa học xã hội. Các sản phẩm của Đề tài hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu như trong hợp đồng, đặc biệt có 2 bài báo khoa học đã công bố bằng tiếng Anh ở trong nước và Hàn Quốc. Gần 100 năm qua, kể từ khi kho sách này được hình thành trong thời Pháp thuộc, đây là công trình đầu tiên giới thiệu, phân tích, và xác định giá trị và kế hoạch bảo quản lâu dài của kho sách này một cách công phu. Vì vậy, các kết quả Đề tài đạt được là rất cần thiết, kịp thời, có giá trị khoa học.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như có tính định hướng trong việc khai thác và bảo quản kho tư liệu quý hiêm này trong thời gian tới./.

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: