Đề tài cấp Bộ “Cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, tác động đối với thế giới, khu vực và Việt Nam” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, tác động đối với thế giới, khu vực và Việt Nam” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

24/03/2017

Sáng ngày 21 tháng 3 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, tác động đối với thế giới, khu vực và Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiền trình bày kết quả nghiên cứu trước<br>Hội đồng

Mục tiêu của Đề tài là xác định và nghiên cứu cục diện chính trị - an ninh mới đang được hình thành tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, nghiên cứu tác động của nó đến bản thân khu vực, đến thế giới và Việt Nam; đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm về xử lý những vấn đề chính trị - an ninh và quan hệ quốc tế và một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với khu vực này trong bối cảnh mới.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 3 chương:

Chương I: Khái quát về cục diện chính trị - an ninh khu vực Trung Đông – Bắc Phi trước khi diễn ra biến động mùa xuân Arab - sau khi đưa ra một số khái niệm cơ bản liên quan đến vấn đề cục diện và chốt lại khung phân tích cần thiết, Đề tài đã trình bày khái quát cục diện chính trị - an ninh khu vực Trung Đông - Bắc Phi thời kỳ trước biến động Mùa xuân Arab ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Chương II: Sự hình thành cục diện chính trị - an ninh mới của khu vực Trung Đông – Bắc Phi từ sau biến động mùa xuân Arab - các tác giả tập trung phân tích vào 3 nội dung chính: (1) các nhân tố tác động chính làm phá vỡ cục diện chính trị - an ninh khu vực vốn có (phong trào Mùa xuân Arab tại Trung Đông – Bắc Phi, sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố, lực lượng Houthi tại Yemen và cuộc chiến chống lại tổ chức này, xung đột Syria – nơi tập trung các loại mâu thuẫn hiện nay, vấn đề hạt nhân Iran bước đầu được giải quyết sau khi Thỏa thuận hạt nhân toàn diện (JCPOA) giữa Iran và P5+1 đã có hiệu lưc); (2) Sự mở đường cho việc hình thành cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi  cụ thể là những thay đổi bên trong của một số quốc gia là chủ thể khu vực đang bị xung đột, chiến tranh (Syria, Iraq, Yemen) và các cường quốc khu vực Trung Đông – Bắc Phi (Ai Cập, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia Iran), các cường quốc thế giới có mặt tại Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ và sự thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi; (3) Nhận diện cục diện chính trị - an ninh mới đang được hình thành tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

    Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Chương III: Xu hướng và tác động của cục diện chính trị - an ninh mới đang được hình thành tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi - cùng với việc chỉ ra các xu hướng chuyển động cơ bản của khu vực, Đề tài đi sâu  phân tích tác động đến khu vực Trung Đông – Bắc Phi và thế giới  theo các vấn đề (chủ nghĩa khủng bố quốc tế lan rộng ra khắp nơi trên thế giới, quan hệ giữa các nước lớn, tính toán chiến lược của từng nước lớn, góp phần duy trì tình trạng giá dầu thấp, tác động đến địa chính trị và cục diện chính trị thế giới). Qua đó đánh giá thực trạng quan hệ hợp tác của Việt Nam với khu vực Trung Đông- Bắc Phi; chỉ ra những tác động đến Việt Nam chủ yếu mang tính chất gián tiếp và cảnh báo. 

Đề tài được nhóm tác giả thực hiện công phu và nghiêm túc, hoàn thành với nội dung đầy đủ, đi từ nghiên cứu các quan niệm, cơ sở lý luận đến phân tích, đánh giá thực trạng cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, xem xét những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành cục diện mới đó, những tác động mà cục diện mới đang diễn ra; đúc rút những yếu tố cốt yếu để từ đó đưa ra một số gợi ý về giải pháp thiết thực đối với Việt Nam, nhất là sự cảnh báo về những tác động bất lợi về an ninh đối với khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo và tư vấn chính sách. Qua đó góp phần gợi mở những đề xuất trong việc ứng xử cũng như hoạch định đường lối đối ngoại và chính sách hợp tác của Việt Nam với các quốc gia Trung Đông và với các nước lớn trên thế giới.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: