Mục tiêu tổng quát của Đề tài là xác định sơ bộ số lượng, giá trị di tích, di vật; đánh giá sơ bộ kết quả khai quật để làm cơ sở xây dựng Dự án nghiên cứu tổng thể “Nghiên cứu, chỉnh lý và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại địa điểm Vườn Hồng”.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, các kết quả của Đề tài được trình bày trong 2 chương:
Chương 1: Tổng quan kết quả khai quật, nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long tại địa điểm Vườn Hồng – Trình bày tổng quan vị trí, hiện trạng khu vực khai quật, quá trình khai quật và những nhận thức bước đầu về kết quả khai quật (địa tầng, tầng văn hóa và hệ thống di tích, di vật). Qua đó lựa chọn, nghiên cứu một số di vật tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử, xây dựng và lưu trữ hệ thống tư liệu ảnh trong đó có các ảnh mẫu vật; đồng thời tư liệu hóa và lưu trữ bước đầu hệ thống bản vẽ trong đó có các hiện vật mẫu tiêu biểu; lập hệ thống phiếu đăng ký hiện vật mẫu tiêu biểu.
Chương 2: Sơ bộ đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa địa điểm khảo cổ học Vườn Hồng- Phân tích về kết quả khai quật và đánh giá sơ bộ giá trị lịch sử; kết quả bảo quản, kiểm điểm sơ bộ, lựa chọn mẫu vật và lưu trữ tư liệu (2015-2016).
|
|
|
Đề tài phân loại, sắp xếp sơ bộ hiện vật trong nhà kho bảo quản theo từng hố (21 hố) và theo chất liệu: vật liệu kiến trúc, đồ sành, gốm, sứ… trong quá trình khai quật nhằm kiểm tra, xác định số lượng tương đối của từng loại hình di vật phục vụ cho công tác xây dựng dự án nghiên cứu, chỉnh lý; phân loại, sắp xếp sơ bộ hiện vật gạch, đá đang được bảo quản tạm thời ngoài trời; bảo quản cấp thiết tạm thời các di tích. Trên tổng thể khu vực Vườn Hồng, đã thực hiện di dời 61 khối di tích là các móng cột của kiến trúc thời Lý và thời Lê. Trước khi di dời, các khối di tích được đóng khối bằng gỗ bên ngoài, bên trong dùng hóa chất bọc kín, tại số 2 Nguyễn Tri Phương, các khối di tích này được để ngoài trời. Do vậy, với kinh phí được cấp năm 2015, cần thiết phải mua vải bạt chống thấm để cấp thiết tiến hành che phủ tạm thời các khối di tích, tránh tác động trực tiếp của thời tiết: mưa, nắng...; lựa chọn 500 hiện vật mẫu tiêu biểu. Tiến tới phân loại và lập hồ sơ tư liệu bản ảnh đối với các hiện vật mẫu tiêu biểu trên các phương diện: niên đại, loại hình, hoa văn,... phục vụ cho công tác nghiên cứu và chỉnh lý trong các năm tiếp sau; lập hồ sơ tư liệu bản vẽ 300 hiện vật mẫu tiêu biểu theo niên đại và loại hình: gốm sứ, vật liệu kiến trúc,... nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu chỉnh lý trong các năm tiếp sau; lập phiếu một số hiện vật mẫu tiêu biểu (300 phiếu); xây dựng báo cáo tổng quan kết quả thực hiện Đề tài và kiến nghị.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc; đồng thời đánh giá cao cả về mặt lý luận và thực tiễn, cung cấp những tư liệu khoa học đầu tiên để xây dựng Dự án “Nghiên cứu, chỉnh lý và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại địa điểm Vườn Hồng”; cung cấp những nhận thức bước đầu về hệ thống di tích của địa điểm vườn hồng, các di tích tiền Thăng Long (Thế kỉ III và VI), Đại La (Thế kỉ VII và IX), các di tích thời Đinh Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng.
Kết quả của Đề tài cũng cho thấy các địa điểm 18 Hoàng Diệu, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu nhà Quốc Hội và địa điểm Vườn Hồng là một bộ phận thống nhất của cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Qua đó các dấu tích kiến trúc ở Vườn Hồng góp phần khẳng định sự tồn tại của một trục trung tâm kiến trúc thời Lý, Trần; bước đầu chỉnh lý, phân loại, sắp xếp, đánh giá giá trị lịch sử, phân hóa các loại di tích, di vật, tạo cơ sở nhận thức góp phần xây dựng Dự án nghiên cứu tổng thể “Nghiên cứu, chỉnh lý và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại địa điểm Vườn Hồng” trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang