Mục tiêu tổng quát của Đề tài là nghiên cứu quá trình hình thành tư duy mĩ học mác xít của Lukács György từ những quan điểm về chủ nghĩa hiện thực đến mô hình phản ánh trong Đặc trưng mĩ học và các công trình mĩ học khác của ông.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Đề tài gồm 4 chương:
Chương 1 - Những giai đoạn phát triển của mĩ học Lukács György - nhìn nhận một cách tổng quan về sự phát triển của tư duy mĩ học của Lukács qua các giai đoạn. Trên những bước tìm đường (1910-1930), Lukács chịu ảnh hưởng quan điểm của Alfred Kerr (1867-1948), nhà phê bình người Đức theo trường phái ấn tượng chủ nghĩa, tiếp đến ông đã tìm đến với trường phái Lịch sử tinh thần của Wilhalm Dilthey (Đức). Giai đoạn khởi đầu này, Lukács đã ý thức được rằng, để có thể tạo ra một hệ thống mĩ học mới, ông phải chống lại những cái đã lỗi thời, cũ kĩ. Lukács chẳng những bác bỏ chủ nghĩa ấn tượng, mà còn phản đối mọi xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Theo Lukács, sự đổi mới nghệ thuật không thể chờ đợi từ bên ngoài mà phải dựa vào sự ra đời của một nền văn hóa thẩm mĩ mới ở ngay trong lòng nghệ thuật.
Chương 2 - Trên đường đến với chân lý khách quan và chân lí lịch sử - tập trung đi sâu vào bản chất chủ nghĩa hiện thực của Lukács thể hiện qua các công trình: Nghệ thuật và chân lí khách quan; Tiểu thuyết lịch sử. Ở phần này, nhóm tác giả nghiên cứu các quan điểm của Lukács liên quan đến mô hình phản ánh như nghệ thuật phản ánh hiện thực, sự khách thể hóa hình thức nghệ thuật, bản chất của chủ nghĩa hiện thực. Đặc biệt, các tác giả đi sâu phân tích hệ thống các quan niệm mĩ học của Lukács về phản ánh nghệ thuật trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chỉ ra mục đích nghiên cứu các vấn đề mĩ học cơ bản về phản ánh nghệ thuật của Lukács được sản sinh từ sự phản ánh các vấn đề của tồn tại xã hội qua công trình Tiểu thuyết lịch sử (1937).
Chương 3: Đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Chương này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu đặc trưng của phản ánh nghệ thuật thể hiện trong công trình mĩ học đồ sộ Đặc trưng mĩ học (1965) của Lukács Gyorgy với các luận điểm chính là: vật tự nó và vật cho ta, đối tượng của phản ánh nghệ thuật, mối quan hệ khách thể - chủ thể trong phản ánh nghệ thuật, những giới hạn của phản ánh nghệ thuật trong mĩ học Lukács.
Chương 4: Phản ánh nghệ thuật nhìn từ tư duy lí thuyết văn học hiện đại, hậu hiện đại - Phân tích giới hạn của mô hình lý thuyết trên cơ sở nhìn nhận khách quan mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, qua đó nêu lên những đặc trưng bản thể của văn bản văn học và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học.
Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận văn học còn thiếu những công trình nghiên cứu các thành tựu lí thuyết văn học nước ngoài một cách hệ thống, đi từ gốc của vấn đề. Do đó nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, giới thiệu tư tưởng mỹ học của Lukács György ở nước ta, giúp giới nghiên cứu văn học nước nhà hiểu hơn về mỹ học Lukács György và nhận thức đúng những giới hạn của mô hình phản ánh đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy lí thuyết văn học mácxit và các nền văn học xã hội chủ nghĩa.
Đề tài được nhóm tác giả thực hiện công phu và nghiêm túc, kết quả đạt được đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hợp đồng. Đề tài đã phản ánh và đánh giá được những đóng góp của Lukács Gyorgy đối với sự phát triển của mĩ học mác xít cũng như những giới hạn của ông thể hiện trong mô hình phản ánh, một vấn đề mĩ học cơ bản, xuyên suốt các công trình của nhà mĩ học mác xít này.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá đây là công trình mỹ học căn bản, là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu văn học nói chung và những nhà nghiên cứu lý luận văn học nói riêng.
Nguyễn Minh Hồng