Đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm đổi mới” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm đổi mới” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

16/05/2017

Sáng ngày 30/3/2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam qua 30 năm đổi mới” do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Chủ nhiệm đề tài - GS.TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày <br>kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là tìm hiểu mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn Việt Nam hiện nay cùng các yếu tố tác động, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng của dòng họ đối với việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Đề tài tập trung vào phân tích mối quan hệ dòng họ ở nông thôn Bắc Trung Bộ, cụ thể là ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nghiên cứu một số khía cạnh trong mối quan hệ dòng họ 3 đời, cả bên nội và bên ngoại. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu của Đề tài kết cấu trong 5 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu mối quan hệ dòng họ ở nông thôn; Chương 2. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã xây dựng gia đình; Chương 3. Mối quan hệ dòng họ trong lĩnh vực đời sống vật chất và các yếu tố tác động; Chương 4. Mối quan hệ dòng họ trong lĩnh vực đời sống tâm linh, tinh thần và các yếu tố tác động; Chương 5. Việc chăm sóc người cao tuổi.

Hiện nay Việt Nam có hơn 16 triệu hộ gia đình sống ở các vùng nông thôn, mối quan hệ gia đình và dòng họ đang chịu tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, nghiên cứu về mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở nông thôn là một nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể, các tác giả đã xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu, đề cập đến các chỉ báo đo lường mối quan hệ dòng họ, các yếu tố tác động đến mối quan hệ dòng họ, từ đó trình bày đặc điểm tổ chức sinh hoạt và cấu trúc dòng họ tại địa bàn nghiên cứu. Đặc biệt, tác giả sử dụng cách tiếp cận liên ngành để xem xét mối quan hệ dòng họ ở khía cạnh định lượng và định tính, cả về đời sống vật chất và tinh thần, cả họ nội và họ ngoại.

Kết quả khảo sát của Đề tài đã nêu bật được những vấn đề xung quanh mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình ở hai xã Quỳnh Thanh và Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu của quan hệ dòng họ là: lĩnh vực đời sống vật chất và lĩnh vực đời sống tinh thần, tâm linh. Nghiên cứu tiếp tục xác nhận tầm quan trọng của hệ thống dòng họ không chỉ là nguồn trợ giúp vật chất lẫn nhau mà còn là nguồn động viên tinh thần và tình cảm; đồng thời lần đầu tiên đề cập tới mối quan hệ giữa thế hệ ông bà và các cháu, từ đó góp phần nhận diện về mặt lý luận các trục quan hệ dòng họ ở nông thôn Việt Nam, trước hết bắt đầu từ mối quan hệ trực hệ hai bên nội ngoại. 

Bên cạnh đó, các tác giả phân tích tương quan (theo các chỉ báo về giới tính, độ tuổi, tôn giáo, mức sống gia đình) về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã xây dựng gia đình; mối quan hệ dòng họ trong lĩnh vực đời sống vật chất (sản xuất, hỗ trợ kinh tế…) và đời sống tinh thần, tâm linh (tầm quan trọng của sinh hoạt họ tộc, vai trò của trưởng họ, quan hệ dòng họ trong việc hiếu, hỉ), chăm sóc người cao tuổi trong gia đình; đồng thời phân tích các yếu tố tác động đến mối quan hệ dòng họ ở hai lĩnh vực này trong đời sống gia đình ở nông thôn Quỳnh Lưu; so sánh ý kiến giữa nhóm đại diện hộ gia đình và nhóm thanh niên trẻ về các chiều cạnh trong mối quan hệ giữa dòng họ và cuộc sống gia đình. Đề tài đã có những phát hiện hay về mối quan hệ dòng họ với cuộc sống gia đình nông thôn hiện nay (sự khác biệt về mối quan tâm giữa họ hàng bên nội và bên ngoại; sự tương đồng và khác biệt giữa nhóm trẻ và đại diện hộ gia đình, sự khác biệt tôn giáo…).

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn trong việc chỉ ra vai trò và quan hệ dòng họ giữa các gia đình trong đời sống thường ngày nông thôn Việt Nam hiện nay cũng như yếu tố tác động của các quan hệ trong bối cảnh thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chiến lược phát triển gia đình bền vững; đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho giảng dạy và nghiên cứu về xã hội học gia đình, xã hội học nông thôn.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: