Nội dung chính của Đề tài là nghiên cứu mối quan hệ hai chiều giữa dân chủ và phát triển, tìm hiểu điều kiện và khả năng mà sự phát triển có thể đem lại dân chủ cho xã hội, cũng như dân chủ có thể đẩy nhanh sự phát triển; phân tích những vấn đề cần giải đáp đặt ra từ phương diện lý luận và thực tiễn; gợi ý kinh nghiệm cho sự phát triển dân chủ ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong 5 phần. Phần1 trình bày khái lược về lịch sử dân chủ từ nền dân chủ Athens cho đến ngày nay, phân tích khái niệm dân chủ với đặc trưng là quyền lực của số đông được ủy quyền cho cơ quan công quyền, và đưa ra những quan niệm cần lưu ý về dân chủ.
Phần 2 phân tích mối quan hệ tất nhiên, nhân quả, tác động hai chiều giữa phát triển với dân chủ và đưa đến nhận định, dân chủ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với 2 điều kiện: (1) Dân chủ không tách rời trách nhiệm; (2) Luật pháp nghiêm minh. Các nước có GDP đầu người dưới 6.000 USD thường nhận thấy sự tác động của dân chủ đến phát triển rõ hơn, trực tiếp hơn.
Phần 3, tác giả làm sáng tỏ 2 vấn đề (1) Dân chủ là quyền, là nhu cầu đương nhiên của tất cả các xã hội; (2) Dân chủ cũng cần phải học, văn hóa dân chủ không bẩm sinh.
Phần 4 phân tích quá trình từ độc tài tới dân chủ ở các nước công nghiệp mới (NICs) bằng những dẫn chứng thực tế “cất cánh” hóa rồng và dân chủ hóa trong điều kiện độc đoán, độc tài ở các nước NICs; làm rõ hệ lụy của thiếu dân chủ trong điều kiện ngày nay và bàn về vấn đề dân chủ hóa theo phương thức từ trên xuống.
Phần 5, tác giả đưa ra những gợi ý cho sự phát triển dân chủ ở Việt Nam, phân tích thực chất của di sản truyền thống dân chủ làng xã; chỉ ra với điều kiện nào thì dân chủ thúc đẩy phát triển và ngược lại; đặt vấn đề về sự cần thiết phải phổ cập văn hóa dân chủ trong đời sống tinh thần xã hội; phân tích tư tưởng coi dân chủ là xu thế khách quan của xã hội loài người, là phương thức tối ưu để phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có thể đóng góp cho sự phát triển về phương diện lựa chọn quan điểm, gợi ý chính sách, mở rộng dân chủ xã hội vì sự phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Thu Trang