Mục tiêu tổng quát của Đề tài là tìm hiểu phong trào của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam như một nghiên cứu trường hợp để khám phá những động năng của xã hội Việt Nam hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và qua đó chỉ ra sự vận hành của diễn ngôn, của quyền lực, vai trò của truyền thông và hệ tư tưởng, năng lực chủ thể của giới trẻ, tiếng nói của những "hành động tập thể", cũng như sự "tăng quyền" của cộng đồng thiểu số tính dục vốn ít có tiếng nói trong đời sống xã hội
Đối tượng nghiên cứu của Đề tài chủ yếu là các nhà hoạt động xã hội, những người khởi xướng phong trào, các tổ chức phong trào xã hội, cũng như các hoạt động tập thể mà phong trào tạo ra trong tiến trình phát triển. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) và Trung tâm hoạt động vì quyền của người LGBT (Trung tâm ICS) là phạm vi nghiên cứu chính của Đề tài bởi đây là hai tổ chức tiên phong trực tiếp kết nối cộng đồng LGBT trên toàn quốc và có những bước đi chiến lược trong việc tạo dựng phong trào
Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 6 chương:
Chương I: Từ tính dục đồng giới đến phong trào LGBT: một số vấn đề lý thuyết và lược sử nghiên cứu – Giới thiệu khái quát lịch sử nghiên cứu về tính dục với hai cách tiếp cận bản thể luận và kiến tạo, những khái niệm có tính lý thuyết liên quan đến tính dục đồng giới, và sự hình thành của phong trào LGBT như một sự nổi dậy của những người thiểu số về tính dục, đồng thời đề cập đến một số khái niệm và nội hàm cơ bản liên quan đến phong trào LGBT
Chương II: Người LGBT ở Việt Nam: thân phận và định kiến xã hội – Bàn tới thân phận người LGBT ở Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại. Tác giả tập trung phân tích diễn ngôn về LGBT cũng như thái độ xã hội nói chung đối với người đồng tính và chuyển giới trước khi có phong trào LGBT, phác hoạ khái quát về đời sống cộng đồng người LGBT ở Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra các diễn đàn trực tuyến của những người LGBT những không gian kết nối.
Chương III : Bước ra ánh sáng: sự khởi đầu của phong trào - Phân tích giai đoạn đầu hình thành phong trào LGBT từ cuối năm 2008 – lấy mốc đầu tiên từ sự kết nối của cộng đồng LGBT và sự hình thành của một tổ chức làm việc để thúc đẩy quyền của người LGBT. Nhìn từ khía cạnh dựng khung trong lý thuyết văn hoá, ở chương này, các tác giả đã làm rõ tiến trình hình thành ý tưởng, những bước đi ban đầu có tính chiến lược và quá trình khuấy động trở thành một phong trào xã hội của những cá nhân và tổ chức tạo dựng phong trào.
Chương IV: Bước tới tự hào: Từ kiến tạo bản sắc đến tăng quyền – Phân tích sự kiến tạo bản sắc của cộng đồng LGBT, mà trong đó cảm xúc tự hào đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sợi dây kết nối. Chương này tập trung phân tích vào sự kiện thường niên Viet Pride (Tự hào đồng tính Việt), và cùng với nó là sự "tăng quyền" của cộng đồng LGBT, thể hiện ở sự tuyên chiến với định kiến xã hội, phản đối sự kỳ thị, và vận động chính sách cho quyền của mình .
Chương V: Sức mạnh trong chúng ta: Cá nhân và tính chủ thể - Đề tài đi sâu vào phân tích Phong trào LGBT từ cái nhìn bên trong, nhấn mạnh khía cạnh tính chủ thể của những nhà hoạt động xã hội nói riêng và giới trẻ LGBT nói chung. Sử dụng cách tiếp cận năng lực chủ thể tự quyết (agency), chương viết chỉ ra dấu ấn cá nhân của một số nhà hoạt động xã hội và những người góp phần tạo dựng phong trào.
Chương VI: Phong trào LGBT và bối cảnh xã hội Việt Nam: những chiều tương tác - Phân tích những điều kiện khả thể cho sự hình thành phong trào LGBT Việt Nam trong tổng thể những tác nhân tác động đến phong trào: Bối cảnh toàn cầu hóa; Sự phát triển của phong trào LGBT quốc tế và tác động của nó đến Việt Nam; Sự phát triển của công nghệ (đặc biệt là internet); Vai trò của giới trẻ và của truyền thông đại chúng; Bối cảnh chính trị, xã hội và văn hóa trong nước. Bên cạnh đó, tác giả cũng soi chiếu tác động ngược lại của phong trào LGBT tới xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua.
Đây là một góc nhìn về phong trào LGBT Việt Nam với cách tiếp cận nhân học văn hoá và nghiên cứu văn hoá, vì thế tiếng nói/quan điểm của người trong cuộc, với “cách nhìn từ bên trong”, hay sự diễn giải của chính bản thân những người tham gia về ý nghĩa của phong trào LGBT được chú trọng. Đề tài cũng quan tâm đến cảm xúc, sự lựa chọn và những bước đi có tính "duy lý" của những người góp phần tạo dựng nên phong trào LGBT
Đề tài được nhóm tác giả thực hiện công phu và nghiêm túc, kết quả đạt được của Đề tài đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng. Báo cáo có nhiều ưu điểm về lý thuyết, phương pháp và văn phong. Các tác giả đã theo sát, hệ thống hóa, khái quát phong trào LGBT và chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến phong trào. Cách triển khai của các tác giả khá chuyên nghiệp, đi từ lý thuyết dến sự thâm nhập sâu trong thực tế, các thách thức và nỗ lực vượt qua thách thức để tạo các hướng nghiên cứu mới. Bản báo cáo có tính logic cao, có cái nhìn đa chiều cạnh và sử dụng lý thuyết của nghiên cứu văn hóa để nhìn nhận vấn đề LGBT trong một cách khái quát và khách quan. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu quan tâm thêm những góc khuất của phong trào LGBT để tránh cái nhìn một chiều, tích cực về phong trào..
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như có những đóng góp mới cho nghiên cứu về phong trào LGBT Việt Nam nói riêng, cũng như mở ra hướng nghiên cứu mới về các phong trào xã hội hiện nay./.