Đề tài cấp Bộ “Sự thành công và thất bại của các quốc gia: Đánh giá các quan điểm phát triển mới và chỉ số FSI- một số gợi ý cho Việt Nam” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Sự thành công và thất bại của các quốc gia: Đánh giá các quan điểm phát triển mới và chỉ số FSI- một số gợi ý cho Việt Nam” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

30/05/2017

Sáng ngày 26 tháng 5 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Sự thành công và thất bại của các quốc gia: Đánh giá các quan điểm phát triển mới và chỉ số FSI- một số gợi ý cho Việt Nam” do GS.TS. Hồ Sĩ Quý làm chủ nhiệm, Viện Thông tin Khoa học xã hội là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Chủ nhiệm đề tài- GS.TS. Hồ Sĩ Quý trình bày<br>kết quả nghiên cứu trước Hội đồng    

Mục tiêu của Đề tài là tìm hiểu những nghiên cứu định tính và định lượng về sự thành công hay thất bại của các quốc gia; nghiên cứu những nguyên nhân được coi là cơ bản về sự thành công hay thất bại của các quốc gia nhằm gợi ý những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển của Việt Nam. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đề tài gồm các nội dung chính như sau:

Chương 1 – Các quan điểm tiêu biểu về sự thành công và thất bại của các quốc gia – xem xét sự thành bại của các quốc gia gắn với các lý thuyết: 1) Về sự dịch chuyển các trung tâm văn minh, mà ngày nay trực tiếp là vấn đề về vị thế của Mỹ, của Trung Quốc; 2) Về sự thần kỳ của các nước NIC châu Á; 3) Về vai trò của thể chế kinh tế và thể chế chính trị quyết định sự thành bại của các quốc gia.

Chương 2 – Chỉ số FSI về sự thành bại của các quốc gia -  tổng hợp Báo cáo thường niên của Quỹ vì Hòa bình từ năm 2005 đến nay về FSI (Fragile States Index) và phân tích tương quan giữa một số quốc gia và sự biến động về FSI của Việt Nam. 

Chương 3 – Gợi ý kinh nghiệm phát triển cho Việt Nam – luận bàn về bài học kinh nghiệm phát triển cho Việt Nam, bao gồm các bài học về sự thành công của khối NICs và các bài học từ thực trạng chỉ số FSI hơn 10 năm qua, như: Vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, về sử dụng nhân tố văn hóa và con người, về việc nuôi dưỡng khát vọng phát triển và tránh bẫy thu nhập trung bình; Không thể xem nhẹ bất cứ nhân tố nào trong số 12 nhân tố cơ bản quy định sự thành bại theo FSI; Chủ động và tích cực chuyển đổi thể chế sang “dung hợp” (Inclusive Institutions)…

  Toàn cảnh buổi nghiệm thu  

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Đề tài cũng như quá trình thực hiện công phu và nghiêm túc của nhóm tác giả. Thông tin về các quan điểm mới và về các nghiên cứu mới rất cập nhật. Các luận điểm được trình bày thể hiện rõ tính khái quát, tính hệ thống và logic. Những đánh giá của nhóm tác giả mang tính tham khảo rất tốt và bổ sung nguồn dữ liệu cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Sản phẩm của Đề tài đáp ứng tốt các yêu cầu trong hợp đồng cả về nội dung lẫn sản phẩm. Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc./.

Nguyễn Minh Hồng

 

Các tin đã đưa ngày: