Với ba chương chính (Chương I: Tổng quan về du ký trung đại Việt Nam; Chương II: Đặc điểm nội dung của du ký trung đại Việt Nam; Chương III: Đặc sắc nghệ thuật của du ký trung đại Việt Nam), đề tài của TS. Phạm Thị Ngọc Lan hướng tới giải quyết những vấn đề cụ thể, như: phân tích, dẫn giải về khái niệm, ngọn nguồn, cơ sở lịch sử văn hóa xã hội, diện mạo và lịch trình phát triển, cùng những đặc trưng cơ bản của văn xuôi du ký chữ Hán trong văn học trung đại Việt Nam và những đóng góp của nó cho văn hóa văn học dân tộc. Đề tài cung cấp một sưu tập tác phẩm du ký trung đại Việt Nam (được dịch, khảo chứng, chú thích từ tác phẩm chữ Hán, bao gồm cả những tác phẩm đã được các nhà Hán học dịch trước đây và một số tác phẩm được dịch mới); đề tài cũng cung cấp một thư mục tham khảo dày dặn, gồm 321 đơn vị thư mục, trong đó có 47 thư mục chữ Hán và tiếng Trung, giúp người đọc có công cụ cần thiết và thực sự hữu ích khi đi sâu nghiên cứu về văn xuôi du ký chữ Hán Việt Nam thời trung đại.
Đáng chú ý là, đề tài của TS. Phạm Thị Ngọc Lan một mặt trình bày sự vận động, phát triển và đặc trưng của du ký trung đại Việt Nam, cho thấy do dấu ấn cá nhân và tính hiện thực đậm nét, du ký trung đại Việt Nam vừa có giá trị văn học, vừa rất giàu giá trị tư liệu, sử liệu, có thể giúp cho việc tìm hiểu, phục dựng lại diện mạo lịch sử, văn hóa, văn chương truyền thống của dân tộc; mặt khác, cũng chỉ ra giữa tiếng nói văn chương trung đại có nét chung là tượng trưng, ước lệ, đầy quy phạm và điển cố thì một tiếng nói vừa xác thực, cụ thể, vừa bình dị và đầy cảm hứng của du ký còn là một bước “đột phá” khác lạ, tạo nên chất “hiện đại”, nhờ vậy du ký trung đại có thể trở thành chiếc cầu nối để dòng chảy của thể loại không bị đứt đoạn khi văn học Việt Nam đi vào hiện đại. Ngoài ra, do du ký chữ Hán Việt Nam là thể tài có nguồn gốc Trung Quốc, vì thế khi xem xét du ký chữ Hán Việt Nam trong tương quan so sánh với những sáng tác cùng loại ở Trung Quốc, đề tài còn góp phần làm sáng tỏ quy luật tiếp thu, kế thừa, sáng tạo của văn học dân tộc, giúp nhìn nhận nền văn học quá khứ của dân tộc trong những tương quan rộng hơn.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện, chuyên sâu về thể tài văn xuôi du kí chữ Hán trong văn học trung đại Việt Nam. Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cả ở phần nghiên cứu, phần tuyển chọn tác phẩm và công bố những bản dịch mới. Kết quả nghiên cứu của đề tài rất thiết thực đối với việc nghiên cứu và giảng dạy thể loại văn học nói riêng, giảng dạy văn học trung đại Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thu Hà