Đề tài cấp Bộ "Thơ văn Nguyễn Đức Đạt: khảo dịch và nghiên cứu" nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ "Thơ văn Nguyễn Đức Đạt: khảo dịch và nghiên cứu" nghiệm thu đạt loại xuất sắc

03/04/2015

Chiều ngày 1 tháng 4 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài "Thơ văn Nguyễn Đức Đạt: khảo dịch và nghiên cứu” do TS. Trần Thị Hải Yến làm chủ nhiệm, Viện Văn học là cơ quan thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Đề tài khảo dịch các tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Đức Đạt - một tác gia ở giai đoạn cuối cùng của văn hóa văn chương tiền hiện đại (nửa sau thế kỷ XIX) cũng như bước đầu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà Nho này.

Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 2 phần.

Trong phần 1, Đề tài đã dịch các tác phẩm của Nguyễn Đức Đạt, như: Hà trì dạ tập, Hồ dạng thi tập, Khả Am văn tập (tuyển thơ), Khả Am văn tập (tuyển văn), Cần kiệm vựng biên, Điều trần đê chính sự nghi tập, Vịnh sử thi tập, Khảo cổ ức thuyết, Việt sử thặng bình, và kiểm dịch bản dịch hiện có tác phẩm Nam Sơn tùng thoại.

Phần 2 - Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đức Đạt trên các phương diện: nhà tư tưởng, nhà giáo dục và một tác gia văn học.

Đánh giá về Nguyễn Đức Đạt, Đề tài cho rằng:

Quan niệm của Nguyễn Đức Đạt hòa cùng một dòng với Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên (thế kỷ XV), Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Bùi Huy Bích (thế kỷ XVIII), và Nguyễn Văn Siêu hay Nguyễn Bá Sĩ (thế kỷ XIX). Tuy nhiên, có một điểm ông né tránh, đó là quan hệ của trước thuật, của văn chương với “thế nước, tục dân” và liên quan đến nó là các vấn đề của thời cuộc cũng xuất hiện hiếm hoi trong luận bàn và sáng tác của ông.

Nguyễn Đức Đạt cả về tư tưởng, quan niệm giáo dục, quan niệm trước thuật… đều không đi ra ngoài khuôn định của Nho giáo và thiết chế cụ thể của triều Nguyễn đương thời. Trung thành tuyệt đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng Nho giáo, giữ quan niệm trung dung cả trong xử thế và cầm bút, Nguyễn Đức Đạt đã không tạo nên bất kỳ sự phá cách nào trong sự nghiệp.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, lần đầu tiên có một công trình lớn cung cấp tư liệu văn học sử, và những nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về tác giả Nguyễn Đức Đạt, xác định một cách khách quan vị trí của Nguyễn Đức Đạt trong đời sống tinh thần Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Kết quả nghiên cứu của Đề tài cũng góp phần bổ sung thêm một tác giả cho việc nghiên cứu và viết lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn này./.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: