Đề tài cấp Bộ “Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 938 đến năm 1884)” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 938 đến năm 1884)” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

14/09/2015

Chiều ngày 9 tháng 9 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 938 đến năm 1884)” do PGS.TS. Nguyễn Minh Tường làm chủ nhiệm, Viện Sử học là cơ quan thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nghiên cứu đã có và khai thác triệt để những thành tựu nghiên cứu mới của giới sử học Việt Nam và quốc tế, Đề tài nghiên cứu hệ thống và toàn diện về tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn; So sánh sự khác biệt, nêu lên đặc trưng của tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam qua từng triều đại; Đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam qua từng triều đại; Trình bày hệ thống, cụ thể mọi mặt của bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam qua 8 nội dung: (1) Tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương; (2) Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; (3) Tổ chức quân đội; (4) Vấn đề ban hành luật pháp và việc thực thi pháp luật; (5) Các cơ quan kiểm sát, giám sát Bộ máy Nhà nước; (6) Cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước; (7) Nhiệm vụ và quyền lợi của hàng ngũ quan lại; (8) Vấn đề khảo khoá, thưởng phạt và chế độ hưu trí của quan lại. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho hiện tại.

Kết cấu Đề tài gồm 10 chương với các nội dung chính như sau:

Chương 1 - Khái luận về tổ chức nhà nước quân chủ trong lịch sử phương Đông - Đề tài khảo sát một vài mô hình nhà nước quân chủ tiêu biểu ở phương Đông, như: Nhà nước quân chủ Trung Quốc, Nhà nước quân chủ Nhật Bản, Nhà nước quân chủ Thái Lan; đồng thời tìm hiểu về chế độ phong kiến Tây Âu và chế độ quân chủ phương Đông.

Chương 2 - Tổ chức chính quyền trung ương (từ thời Ngô đến thời Lê Sơ) - Đề tài tập trung làm rõ tổ chức bộ máy chính quyền trung ương thời Ngô (938 - 965),  thời Đinh (968 - 980), thời Tiền Lê (981 - 1009), thời Lý (1009 - 1225), thời Vương quốc Champa từ thế kỷ II đến thế kỷ X và Vương triều Phật Thệ (Vijaya), thời Trần (1225 - 1400), thời Hồ (1400 - 1407), thời Lê Sơ (1428 - 1527).

Chương 3 - Tổ chức chính quyền trung ương (từ thời Mạc đến thời Nguyễn) - Các tác giả làm rõ tổ chức bộ máy chính quyền trung ương thời Mạc (1527 - 1592),  thời thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài (1599 - 1789), thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558 - 1777), thời  Tây Sơn (1778 - 1802), thời triều Nguyễn (1802 - 1884).

Chương 4 - Tổ chức chính quyền địa phương, tìm hiểu về tổ chức chính quyền địa phương các thời Ngô,  Đinh, Tiền Lê,  Lý, Champa, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn và Nguyễn.

Chương 5 - Tổ chức quân đội. Đề tài tập trung giới thiệu mô hình quân đội các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Champa, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn và Nguyễn.

Chương 6 tìm hiểu Vấn đề ban hành luật pháp và việc thực thi pháp luật.

Chương 7 - Cơ quan kiểm sát, giám sát bộ máy Nhà nước. Tác giả giới thiệu về các cơ quan kiểm sát, giám sát bộ máy Nhà nước theo nhóm thời Lý, Trần,  Hồ; Lê Sơ, Mạc; Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài; Chúa Nguyễn ở Đàng Trong; Tây Sơn và Nguyễn.

Chương 8 - Cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước. Do giới hạn về tư liệu nên Đề tài chỉ trình bày cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Chương 9 phân tích Nhiệm vụ và quyền lợi của quan lại trong tổ chức chính quyền quân chủ.

Chương 10 - Vấn đề khảo khóa, thưởng phạt và chế độ hưu trí của quan lại. Trong lịch sử quan chế của Nhà nước quân chủ Việt Nam, dưới các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, không thấy sử cũ ghi chép về chế độ khảo khóa quan lại. Do vậy, trong chương này, các tác giả chỉ trình bày vấn đề này từ thời Lý trở về sau.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đạt loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như có những đóng góp mới cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ./.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: