Đề tài cấp Bộ “Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế và xã hội ở một số quốc gia trong Liên minh Châu Âu” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đề tài cấp Bộ “Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế và xã hội ở một số quốc gia trong Liên minh Châu Âu” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

03/04/2017

Chiều ngày 08 tháng 3 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế và xã hội ở một số quốc gia trong Liên minh Châu Âu” do PGS.TS. Đinh Công Tuấn làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Châu Âu là cơ quan chủ trì. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là phân tích vai trò của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở một số nước trong Liên minh châu Âu (EU), từ đó gợi mở những kinh nghiệm có thể vận dụng cho Việt Nam. Đề tài có 5 nhiệm vụ cơ bản sau: 1) Luận giải khái quát lý luận cơ bản về xã hội dân sự và ba trụ cột cho sự phát triển: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự; 2) Phân tích những cơ sở kinh tế, xã hội của các tổ chức xã hội dân sự trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở một số nước trong EU; 3) Phân tích vai trò của các tổ chức XHDS trong phát triển kinh tế, xã hội ở một số nước trong EU (Anh, Đức, Thụy Điển, Ba Lan); 4) Đánh giá khái quát những điểm phổ quát và khác biệt về vai trò của các tổ chức XHDS trong phát triển kinh tế, xã hội ở một số nước trong EU; 5) Phân tích những mặt hạn chế của các tổ chức XHDS ở châu Âu, những chiều hướng đặt ra trong tương lai, trên cơ sở đó đưa các gợi ý nhằm xây dựng các tổ chức XHDS nghề nghiệp ở Việt Nam.

Với cách tiếp cận từ nhiều hướng của khoa học lịch sử, kinh tế, quốc tế học và chính trị học, Đề tài tập trung vào đối tượng nghiên cứu là tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế và xã hội ở một số quốc gia trong EU, đại diện cho các mô hình phát triển kinh tế thị trường khác nhau là: Anh, Đức, Thụy Điển và Ba Lan.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 3 chương:

Chương 1 - Những cơ sở nền tảng của các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong sự phát triển kinh tế và xã hội ở Liên minh châu Âu (EU) - Giới thiệu khái quát một số quan điểm, lý luận trong XHDS và nêu lên vai trò của các tổ chức XHDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong EU, đặc biệt phân tích mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền – kinh tế thị trường – xã hội dân sự.

Chương 2 - Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phát triển kinh tế và xã hội ở EU  (qua nghiên cứu trường hợp 4 quốc gia Anh, Đức, Thụy Điển, Ba Lan) -  nêu bật vai trò của tổ chức XHDS ở từng nước từ các góc nhìn khác nhau.    

Chương 3 - Đánh giá, những chiều hướng đặt ra trong tương lai và một số gợi mở cho Việt Nam. Các tác giả đã đánh giá những nét phổ quát (đặc điểm tương đồng) và đặc thù về vai trò của tổ chức XHDS đối với sự phát triển kinh tế và xã hội ở 4 nước trong EU, đồng thời phân tích những hạn chế đối với việc phát huy vai trò của tổ chức XHDS trong phát triển kinh tế - xã hội và những chiều hướng, vấn đề đặt ra cho các tổ chức XHDS ở EU trong tương lai.

Từ những đánh giá này, các tác giả đưa ra một số gợi mở cho việc xây dựng, hoạt động của các tổ chức XHDS ở Việt Nam, cụ thể là: Thứ nhất, người dân được phép tham gia vào công việc xây dựng và thực hiện chính sách của nhà nước, với “văn hóa tham vấn và đối thoại dân chủ”; Thứ hai, phải xây dựng nền kinh tế tri thức, hướng tới tăng trưởng bền vững; Thứ ba, Việt Nam cần chủ động tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ xã hội, tích cực xây dựng và hoàn thiện các doanh nghiệp xã hội, xây dựng trách nhiệm xã hội cho các hoạt động của doanh nghiệp; Thứ tư, Việt Nam cần đẩy mạnh việc phát huy vai trò dân chủ hóa, tạo những điều kiện tốt nhất để người dân tự tin, tự nguyện tham gia vào các công tác xã hội; Thứ năm, phát huy dân chủ, tăng cường vai trò của quần chúng trong việc chủ động kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Thứ sáu, phát huy dân chủ, tích cực xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; Thứ bảy, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu cơ, bền vững, biện chứng giữa nhà nước, thị trường và XHDS vì mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, trên nền tảng tuân thủ pháp luật đất nước.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Tuy cần bổ sung một số điểm để hoàn thiện hơn, nhưng Hội đồng đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Đề tài, đặc biệt là việc phân tích, hệ thống hóa, cũng như đưa ra các cơ sở lý luận về XHDS trong phát triển kinh tế ở EU và đưa ra những gợi mở quý báu cho Việt Nam.

Nguyễn Minh Hồng

Các tin đã đưa ngày: