Đề tài “Vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Tây Nguyên” mã số TN3/X07 là một trong 21 đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KHCN-TN/11-15 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình). Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.
Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, trước hết thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế ở Tây Nguyên từ 1986 đến nay theo quan điểm phát triển bền vững, đề xuất các quan điểm, định hướng và hệ giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội trong phát triển bền vững Tây Nguyên, giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Các tác giả tập trung nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững ở Tây Nguyên hiện nay; Phân tích, đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, trước hết là các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế ở Tây Nguyên từ 1986 đến nay; Phân tích và làm rõ ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, các nhân tố bên trong và bên ngoài đến quá trình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Tây Nguyên, dự báo xu hướng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội chủ yếu ở Tây Nguyên hiện nay; Nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển xã hội chủ yếu ở Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Qua đó, nghiên cứu luận giải các quan điểm, định hướng và hệ giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.
|
Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài.
Chương 2: Thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên từ năm 1986 đến 2010 trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế. Sau 30 năm phát triển, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Trong bức tranh chung đó, lĩnh vực xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội và y tế. Nhưng so với tiềm năng của Tây Nguyên và mục tiêu phát triển của cả nước, những thành tựu đó cũng còn khiêm tốn. Hơn nữa, quá trình quản lý phát triển xã hội ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các cơ quan địa phương và toàn thể nhân dân Tây Nguyên phải cố gắng nhiều hơn nữa, để tìm ra được những giải pháp tốt nhất có thể đưa Tây Nguyên phát triển trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Chương 3: Các nhân tố tác động và dự báo xu hướng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế. Có thể nhận thấy có rất nhiều nhân tố tác động tới quá trình quản lý phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên, trong đó các nhân tố về chính sách đóng vai trò quan trọng nhất. Trong gần 30 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều các chính sách để đầu tư cho phát triển cho khu vực này trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hệ thống chính sách này ngày càng đầy đủ, toàn diện và không ngừng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của khu vực này. Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững cần phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách đối với sự phát triển của Tây Nguyên, trong đó cần chú trọng tới các chính sách mang tính tổng thể gắn với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết vùng cũng là một giải pháp quan trọng có thể tạo ra cú huých đối với sự phát triển của Tây Nguyên trong thời gian tới. Các chính sách, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội tại Tây Nguyên đã và đang được thực thi cũng cần chú trọng nhiều hơn tới các khía cạnh xã hội và môi trường trong phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều yếu tố về xã hội và môi trường thời gian qua chưa được nhìn nhận đúng mức trong sự phát triển của khu vực Tây Nguyên, do đó đã dẫn đến nhiều vấn đề bức xúc trong phát triển, nhất là về môi trường. Cũng chính vì thế, việc rà soát lại các quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên để bổ sung các yếu tố về xã hội và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững vùng là hết sức cần thiết.
Chương 4: Đề xuất giải pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội tại Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế. Nhóm giải pháp tập trung vào các vấn đề xã hội, lĩnh vực xã hội trong mối liên hệ hữu cơ với các lĩnh vực khác. Các tác giả tập trung làm rõ các giải pháp thuộc 3 nhóm vấn đề chủ yếu: xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế. Phát triển Tây Nguyên lấy con người làm trung tâm theo hướng phát triển bền vững. Chiến lược phát triển Tây Nguyên cần tập trung giải quyết các vấn đề phát triển con người, trước hết làm cho con người có thể thoát nghèo, được sống trong điều kiện trung bình, được trợ giúp xã hội, được chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục… trên cơ sở đó thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng làm cho Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển của cả nước.
Phát biểu trong buổi nghiệm thu, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình đề nghị Chủ nhiệm đề tài: (1) Làm rõ thêm vấn đề phân hóa xã hội và xung đột xã hội ở Tây Nguyên; (2) Để có chính sách đồng bộ trong giải quyết các vấn đề xã hội Tây Nguyên phải chia sẻ và tích hợp các kết quả nghiên cứu khác liên quan đến phát triển xã hội và quản lý xã hội từ 20 đề tài trong Chương trình; (3) Viết lại báo cáo khuyến nghị rõ, cụ thể, gọn lại dựa trên các kết quả nghiên cứu và theo quan điểm phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có thể đóng góp cho sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Tây Nguyên về phương diện lựa chọn quan điểm, gợi ý chính sách vì sự phát triển ở Tây Nguyên./.
Nguyễn Thu Hà