Toàn cảnh buổi Nghiệm thu
|
Đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề trong ứng xử giao tiếp của người Việt dưới tác động của các nhân tố xã hội. Thông qua nghiên cứu, các tác giả, một mặt, chỉ ra đặc điểm của tiếng Việt trong giao tiếp, văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt; mặt khác góp phần vào nghiên cứu lý thuyết giao tiếp trong đó có những điểm thuộc về lý thuyết xây dựng từ tư liệu các ngôn ngữ phương Tây được nhìn nhận từ thực tế giao tiếp tiếng Việt.
Những kết quả chính của Đề tài được trình bày trong 6 chương. Chương 1 - Những vấn đề lý thuyết của giao tiếp ngôn ngữ. Giao tiếp ngôn ngữ - một hành vi quan trọng bậc nhất của con người và nhờ nó mới có thể tổ chức được cấu trúc xã hội của con người. Giao tiếp ngôn ngữ là vấn đề phức tạp nhất của ngôn ngữ học,vì nó chịu tác động của hàng loạt các nhân tố ngôn ngữ-xã hội. Giao tiếp ngôn ngữ cũng không thể tách khỏi môi trường văn hóa-xã hội. Đề tài đã chú trọng những vấn đề lí luận mới về giao tiếp ngôn ngữ như khuôn mẫu trong giao tiếp, cái tôi trong giao tiếp và đề liên văn hóa trong giao tiếp nội ngôn (vốn chỉ được nghiên cứu trong giao tiếp liên ngôn).
Chương 2 - Tổng luận về giao tiếp của người Việt với các nhân tố xã hội chi phối. Giao tiếp ngôn ngữ của người Việt chịu sự chi phối của tất cả các nhân tố xã hội, trong đó nổi lên 8 nhân tố: tuổi, giới, đơn vị, nghề nghiệp, học vấn, vùng miền, tôn giáo, thu nhập. Tám nhân tố này tác động vào giao tiếp của người Việt ở các mức độ khác nhau, gắn với từng thời kỳ khác nhau.
Chương 3 - Giao tiếp xưng hô của người Việt với các nhân tố xã hội chi phối. Tiếng Việt có một hệ thống các từ xưng hô vừa nhiều về số lượng vừa phong phú về chất lượng. Trong giao tiếp của người Việt, xưng hô bộc lộ vai trò giao tiếp và thái độ, tình cảm, mối quan hệ tương tác giữa những người tham gia giao tiếp. Vì thế, lựa chọn cách xưng hô phù hợp trong giao tiếp đối với người Việt là cực kỳ quan trọng, theo đó, cách xưng hô trở thành chiến lược giao tiếp xưng hô. Cách xưng hô của người Việt trong giao tiếp gắn với văn hóa Việt trở thành khuôn mẫu giao tiếp xưng hô.
GS.TS. Nguyễn Văn Khang, chủ nhiệm đề tài báo cáo
kết quả nghiên cứu tại Hội đồng Nghiệm thu |
|
Chương 4: Nghi thức giao tiếp của người Việt với các nhân tố chi phối. Bốn hành động ngôn ngữ trở thành bốn nghi thức giao tiếp phổ biến của người Việt gồm: chào gặp mặt, chào chia tay, nói lời cảm ơn, nói lời xin lỗi. Đây là văn hóa ứng xử truyền thống trọng lễ nghĩa từ ngàn xưa của người Việt. Mỗi nghi thức này được khái quát thành mô hình chung và chi tiết hóa thành các mô hình cụ thể. Theo đó, ứng với mỗi cộng đồng giao tiếp ở mỗi thời đại có những mô hình mang tính đặc thù với các ngôn ngữ tương ứng. Xã hội nào thì nghi thức ấy, do đó, ngôn từ sử dụng trong các nghi thức giao tiếp cũng thay đổi cho phù hợp với bối cảnh xã hội.
Chương 5 - Giao tiếp chọn mã của người Việt với các nhân tố chi phối. Sự lựa chọn mã là một tất yếu của việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Với sự phong phú, đa dạng các biến thể của tiếng Việt, người giao tiếp có thể lựa chọn các mã sao cho phù hợp với bối cảnh giao tiếp để đạt được hiệu quả cao nhất. Trong ba cách lựa chọn mã giao tiếp: duy trì mã, trộn mã và chuyển mã thì trộn mã đang nổi lên là cách giao tiếp phổ biến của người Việt hiện nay.
Chương 6 - Giao tiếp ngôn ngữ cử chỉ của người Việt với các nhân tố xã hội chi phối. Cùng với ngôn ngữ có lời, ngôn ngữ cử chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội với hai chức năng là kèm lời và độc lập trong giao tiếp. Chức năng kèm lời là chức năng cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Đề tài đã bao quát rất nhiều vấn đề mang tính thời sự và có giá trị khoa học cao thuộc phạm vi giao tiếp ngôn ngữ của người Việt. Kết quả của Đề tài sẽ góp phần vào việc xây dựng các mô hình giao tiếp, xây dựng văn hóa ứng xử của người Việt; đề xuất quan điểm chuẩn hóa tiếng Việt, nhất là chuẩn hóa giao tiếp công sở, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, góp phần bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa tiếng Việt./.
Nguyễn Vũ