Đề tài được hoàn thành trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu của 5 đề tài thuộc Chương trình cấp Bộ do Viện Dân tộc học thực hiện trong năm 2011-2012 “Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam dưới góc độ dân tộc học’’:
1) Một số vấn đề cơ bản về kinh tế-xã hội trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới.
2) Một số vấn đề cơ bản về văn hóa trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới.
3) Một số vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới.
4) Một số vấn đề cơ bản về dân tộc-tôn giáo trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới.
5) Một số vấn đề cơ bản về chính sách dân tộc trong phát triển bền vững các tỉnh biên giới.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm nhận diện, đánh giá thực trạng những vấn đề cơ bản về phát triển bền vững các tộc người ở các tỉnh vùng biên giới trong sự đối sánh với các tộc người bên kia biên giới; Phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động vào những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển bền vững của các tộc người ở các tỉnh biên giới; Dự báo xu hướng phát triển của các tộc người ở các tỉnh biên giới giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030; Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần đổi mới chính sách phát triển toàn diện, bền vững các tộc người ở các tỉnh biên giới trong bối cảnh mới.
Các kết quả của đề tài được trình bày trong 7 chương. Chương 1 - Một số vấn đề chung - đề cập đến một số vấn đề chung như cơ sở lý thuyết về phát triển bền vững vùng biên giới; tổng quan nghiên cứu.Chương 2 -Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh biên giới 2006-2010 - tìm hiểu sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các tỉnh biên giới; các hoạt động kinh tế khác trên địa bàn và xuyên biên giới; thực trạng đói nghèo và chênh lệch phát triển ở các tỉnh biên giới; các yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới.Chương 3 -Thực trạng phát triển văn các tỉnh biên giới 2006-2010 - phân tích các vấn đề: Văn hóa tộc người; văn hóa quốc gia; ảnh hưởng của văn hóa đến phát triển các tỉnh biên giới nước ta.Chương 4 -Thực trạng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở các tỉnh biên giới 2006-2010 đi sâu nghiên cứu thực trạng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở vùng biên giới; tác động của chính sách đối với hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở các tỉnh biên giới.Chương 5 tìm hiểu Thực trạng vấn đề dân tộc – tôn giáo các tỉnh biên giới 2006-2010: quan hệ dân tộc ở các tỉnh biên giới; động thái tôn giáo, tín ngưỡng ở các tộc người; di dân ở các tỉnh biên giới.Trong chương 6 - Thực trạng thực hiện chính sách phát triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam 2006-2010,tập thể tác giả đề cập tới một số chính sách phát triển vùng biên giới từ khi Đổi mới đến nay; chính sách dân tộc trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; chính sách phát triển giáo dục ở các tỉnh biên giới; chính sách liên quan đến môi trường trong phát triển bền vững ở các tỉnh biên giới; tác động từ chính sách của các nước láng giềng đến thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh biên giới Việt Nam.Trong chương 7 -Quan điểm, giải pháp phát triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030,các tác giả nêu lên bối cảnh tình hình dân tộc trên thế giới, khu vực và Việt Nam; xu hướng của các vấn đề cơ bản ở các tỉnh biên giới; quan điểm và giải pháp phát triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.
Thông qua 7 chương, các tác giả đã tập trung phân tích thực trạng 5 vấn đề cơ bản bao gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, hệ thống chính trị, dân tộc-tôn giáo và chính sách phát triển bền vững. Trong từng vấn đề, các tác giả đã chỉ ra các yếu tố tác động (tích cực và tiêu cực) với các biểu hiện khác nhau ở cả 3 vùng. Nhiều vấn đề không mới nhưng nóng bỏng như đói nghèo, thiếu đất đai sản xuất, mù chữ và tái mù chữ phổ thông, xây dựng văn hóa quốc gia ở vùng biên cương đến các vấn đề tệ nạn xã hội…Qua đó, chỉ ra các xu hướng biến đổi, nhận diện một số vấn đề đặt ra và xác định các quan điểm giải pháp để phát triển bền vững các vùng biên giới nước ta./.
Nguyễn Thu Hà