Đề tài thuộc Chương trình “Nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa các di tích khảo cổ học Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam được phát hiện từ năm 1998 đến 2010” do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ nhiệm Chương trình.
Đề tài tập trung hệ thống hoá các phát hiện và nghiên cứu mới về khảo cổ học thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam từ năm 1998 đến 2010.Trên cơ sở các tài liệu mới, kế thừa kết quả nghiên cứu của các giai đoạn trước, công trình đi sâu phân tích, so sánh và đánh giá chuyên sâu, nhằm nhận thức các vấn đề: phân kỳ các giai đoạn phát triển của thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên; đặc trưng, tính chất các giai đoạn; phác thảo những nét cơ bản về đời sống vật chất tinh thần của các cư dân thời đại Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên; vị trí của thời Sơ sử trong mối quan hệ với các vùng xung quanh; bước đầu đưa ra những lý luận về sự chuyển biến và hình thành nhà nước sơ khai ở Miền Trung; góp thêm tư liệu biên soạn công trình chuyên khảo về tiến trình lịch sử-văn hóa thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên, nâng cao nhận thức khoa học về bề dày văn hóa lịch sử vùng đất này.
Đánh giá các giá trị lịch sử-văn hoá các di tích khảo cổ học thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên góp phần làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các dự án bảo tồn và trưng bày các di tích tại chỗ cũng như xây dựng các bảo tàng trong nhà để phát huy giá trị của di tích; xây dựng bản đồ khảo cổ học thời Sơ sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập lịch sử Việt Nam.
Đề tài được thực hiện trong 2 năm 2012-2013. Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 4 chương.Chương 1:Tổng quan tư liệu: trình bày đôi nét về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn, kiến tạo địa chất của miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó những nghiên cứu về hệ thực vật của thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên cũng được đề cập đến.Điều kiện địa lý tự nhiên của Miền Trung và Tây Nguyên là những yếu tố góp phần hình thành nên các đặc trưng văn hóa riêng của từng khu vực. Môi trường địa lý có những tác động rất lớn, chi phối đến các hoạt động trong đời sống thường ngày như những phương thức khai thác kinh tế, đời sống tâm linh, giao lưu tiếp xúc với các văn hóa bên ngoài. Mỗi vùng có một điều kiện tự nhiên riêng và đã hình thành nên các văn hóa và quá trình phát triển lịch sử riêng của mình.Chương này cũng trình bày về quá trình phát hiện và những thành tựu nghiên cứu về thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên.
Chương 2: Các di tích thời đại Đồng thau ở Miền Trung và Tây Nguyên -trình bày tư liệu khai quật và nghiên cứu một số di tích thời đại Đồng thau ở Miền Trung và Tây Nguyên theo các văn hóa, giai đoạn phát triển. Trên cơ sở các tư liệu khảo cổ mới được phát hiện và nghiên cứu này, cùng với các thành tựu nghiên cứu trong các giai đoạn trước để xác định những đặc trưng cơ bản về di tích và di vật giai đoạn Đồng thau ở Miền Trung và Tây Nguyên.Thời kỳ Đồng thau ở Miền trung Việt Nam đã hình thành các văn hóa, nhóm di tích phát triển riêng biệt giữa vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Chương 3: Các di tích thời đại Sắt sớm ở Miền Trung và Tây Nguyên - trình bày tư liệu khai quật khảo cổ một số di tích thuộc thời Sắt sớm (văn hóa Sa Huỳnh) ở Miền Trung và các di tích thời Sắt sớm ở Tây Nguyên.Tại Miền Trung, trong thời gian qua đã khai quật và nghiên cứu được hàng loạt các di tích văn hóa Sa Huỳnh, một số di tích có quy mô và giá trị lớn như Cồn Ràng, Lai Nghi, Gò Mả Vôi, Gò Dừa, Bình Yên, Gò Quê, Động Cườm, Hòa Diêm, Phú Trường...Từ các tư liệu khảo cổ đó, công trình đã khái quát lên đặc trưng, tính chất, niên đại, các giai đoạn phát triển và loại hình địa phương của văn hóa Sa Huỳnh ở Miền Trung và nhóm các di tích thời đại Sắt sớm ở Tây Nguyên.
Chương 4: Giá trị lịch sử-văn hóathời Sơ sử ở miền Trung và Tây Nguyên -đề cập đến giá trị lịch sử văn hóa thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên dưới các khía cạnh như diễn trình phát triển thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên; diện mạo văn hóa thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên; các mối quan hệ văn hóa thời Sơ sử. Ngoài ra, trên cơ sở tư liệu hiện có, bước đầu đưa ra những lý thuyết về sự hình thành nhà nước sơ khai ở Miền Trung. Cũng trong chương này, vấn đề về thực tiễn quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; về giá trị nhận thức diễn trình phát triển thời Sơ sử ở Miền Trung và Tây Nguyên; về giá trị nhận thức diện mạo văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần; về mối quan hệ, giao lưu tiếp xúc với các văn hóa lân cận...cũng được các tác giả đề cập đến./.
Nguyễn Thu Hà