Đề tài thuộc Chương trình “Nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa các di tích khảo cổ học Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam được phát hiện từ năm 1998 đến 2010” do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ nhiệm Chương trình.
Đề tài tập trung hệ thống hóa toàn bộ tư liệu phát hiện, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học thời Tiền sử ở Miền Trung và Tây Nguyên từ năm 1990 đến nay, cung cấp thông tin tư liệu khách quan, đầy đủ và cập nhật cho các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, các nhà quản lý di sản văn hóa đất nước, đặc biệt cho Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội Trung Bộ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tập thể các tác giả đã tập trung phân tích đánh giá, nghiên cứu so sánh chuyên sâu nhằm làm rõ một số vấn đề cơ bản của khảo cổ học Tiền sử Miền Trung và Tây Nguyên, đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa các di tích Tiền sử Miền Trung và Tây Nguyên trong bối cảnh rộng hơn và đề xuất định hướng nghiên cứu tiếp theo. Thông qua triển khai, đề tài góp phần đào tạo khả năng nghiên cứu chuyên sâu cho cán bộ trẻ, chuẩn bị cho việc tthực hiện các nhiệm vụ tiếp theo trong kế hoạch từ nay đến năm 2020 của Viện Khảo cổ học cũng như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đề tài thực hiện trong hai năm 2012-2013, với Báo cáo tổng hợp dày 518 trang, tập minh họa 179 trang trong đó có 18 bản đồ, 205 bản vẽ, 423 ảnh di vật tiêu biểu và 25 bản dập hoa văn gồm. Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 5 chương. Chương 1-Tổng quan tư liệu khảo cổ học Tiền sử Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam -trình bày đôi nét về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn 3 tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt nhấn mạnh hiện tượng động đất, phun trào núi lửa ở vùng núi và cao nguyên cũng như hiện tượng biển tiến, biển thoái ở vùng duyên hải liên quan đến thời kỳ Tiền sử.
Chương 2: Các di tích thời đại Đá cũ Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Tập thể tác giả trình bày tư liệu khai quật và nghiên cứu một số di tích thời đại Đá cũ tiêu biểu ở Miền Trung và Tây Nguyên. Trên cơ sở tư liệu khảo cổ, xác định những đặc trưng cơ bản về di tích và di vật khảo cổ thời đại Đá cũ theo từng tiểu vùng. Bước đầu xác định giá trị lịch sử-văn hóa của các di tích Đá cũ Miền Trung và Tây Nguyên trong bối cảnh rộng hơn.
Chương 3: Các di tích thời đại Đá mới Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Chương này trình bày tư liệukhai quật khảo cổ một số di tích thời đại Đá mới ở Miền Trung và Tây Nguyên theo 3 giai đoạn: Đá mới sớm hay bình tuyến Hòa Bình, Đá mới giữa hay bình tuyến sau Hòa Bình và Đá mới muộn hay hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí. Từ đó xác định đặc trưng, tính chất, niên đại, các giai đoạn phát triển của thời đại Đá mới ở từng tiểu vùng. Bước đầu xác định giá trị lịch sử-văn hóa của các di tích này trong bối cảnh rộng hơn.
Chương 4:Diễn trình phát triển văn hóa Tiền sử Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Các tác giả giới thiệu khái quát các nhóm di tích/nhóm dân cư thời đại Đá cũ (sơ kỳ và hậu kỳ), thời đại Đá mới (sớm, giữa và muộn) ở Miền Trung và Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, phác thảo diện mạo các văn hóa Tiền sử Miền Trung-Tây Nguyên qua các vấn đề về kinh tế, xã hội và chủ nhân.
Chương 5: Những giá trị lịch sử-văn hóa nổi bật của các di tích Tiền sử Miền Trung và Tây NguyênViệt Nam. Chương này tìm hiểu mối quan hệ các di tích và di vật Đá cũ, Đá mới Miền Trung và Tây Nguyên với các di tích cùng thời ở Bắc Việt Nam, Miền Nam Việt Nam nhằm làm rõ hơn vị trí của văn hóa Tiền sử Miền Trung và Tây Nguyên trong nền cảnh Tiền sử Việt Nam./.
Nguyễn Thu Hà