Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu khảo sát thái độ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số đối với tiếng nói, chữ viết dân tộc sử dụng trong giáo dục và trên sóng phát thanh truyền hình phục vụ cho việc xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam”do GS.TS. Nguyễn Văn Khang và TS. Bùi Thị Minh Yến đồng chủ nhiệm, thuộc Chương trình cấp Bộ 2011 – 2012 “Luận cứ khoa học cho việc xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam” do Viện Ngôn ngữ học là cơ quan chủ trì thực hiện được hội đồng nghiệm thu cấp Bộ của Viện Khoa học xã hội Việt Nam xếp loại xuất sắc.
Đề tài đã tập trung khảo sát thực tế thái độ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số với tiếng nói, chữ viết dân tộc sử dụng trong giáo dục và trên sóng phát thanh truyền hình. Trên cơ sở các số liệu thực tế, đề tài tiến hành phân tích chỉ ra nguyên nhân thành công và không thành công của việc phát sóng và giáo dục bằng tiếng dân tộc hiện nay, từ đó đưa ra kiến nghị đề xuất điều chỉnh việc phát sóng bằng tiếng dân tộc và giáo dục tiếng nói chữ viết dân tộc hiện nay nhằm phát huy hiệu quả của công việc này.
Các tác giả đã phác họa một bức tranh tương đối toàn diện về những vấn đề liên quan đến thái độ ngôn ngữ của hai tộc người Hmông và Thái ở Hà Giang và Điện Biên đối với tiếng nói, chữ viết dân tộc sử dụng trong giáo dục và trên sóng phát thanh truyền hình; nêu bật được những cơ sở lý luận cho việc xác định khái niệm thái độ ngôn ngữ và những khái niệm liên quan như tình cảm ngôn ngữ, thái độ tự ti ngôn ngữ, thái độ kỳ thị ngôn ngữ…; làm sáng tỏ một số vấn đề về cảnh huống ngôn ngữ ở Hà Giang và Điện Biên, về dân tộc Hmông và tiếng Hmông, dân tộc Thái và tiếng Thái và đặc biệt là tình hình phát sóng tiếng Hmông và tiếng Thái trên VOV4 và VTV5, trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Giang, Đài phát thanh và truyền hình Điện Biên.
Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào:
1) Những vấn đề chung về thái độ ngôn ngữ.
2) Những vấn đề chung về chương trình phát sóng tiếng Hmông và tiếng Thái tại hai tỉnh Hà Giang và Điện Biên.
3) Khảo sát trường hợp thái độ ngôn ngữ của người Hmông đối với chương trình phát sóng bằng tiếng Hmông.
4) Khảo sát trường hợp thái độ ngôn ngữ của người Thái đối với chương trình phát sóng bằng tiếng Thái.
5) Khảo sát tình hình giáo dục tiếng Hmông và tiếng Thái tại hai tỉnh Hà Giang và Điện Biên.
6) Kiến nghị đề xuất về việc phát sóng bằng tiếng dân tộc và giáo dục tiếng nói chữ viết dân tộc.
Nguyễn Vũ