Mục tiêu tổng quát của Đề tài: Trên cơ sở nghiên cứu đời sống tôn giáo ở Việt Nam, nhất là những chuyển biến quan trọng trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ 1990 đến nay, chỉ ra những thành tựu, hạn chế của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay, từ đó đưa ra dự báo xu hướng vận động của đời sống tôn giáo ở Việt Nam và khuyến nghị đối với các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo trong thời gian tới.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu của Đề tài kết cấu trong 03 chương: Chương 1. Đời sống tôn giáo và những điều kiện, tiền đề cho sự chuyển biến của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay; Chương 2. Những chuyển biến quan trọng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay; Chương 3. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay và những vấn đề đặt ra.
Bằng phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học xã hội: Tôn giáo học, Chính trị học tôn giáo; Xã hội học tôn giáo, v.v. đồng thời kế thừa những kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo trong những năm gần đây về nhiều phương diện của đời sống tôn giáo, nhất là biến đổi tôn giáo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về đời sống tôn giáo Việt Nam dưới ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội,... đặc biệt là sự đổi mới quan điểm, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo từ năm 1990 đến nay. Qua đó dự báo xu hướng và vấn đề đặt ra, tìm ra những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn xác đáng cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.
Dưới tác động của các yếu tố, các điều kiện, bối cảnh khác nhau, đời sống tôn giáo của Việt Nam từ năm 1990 đến nay có sự chuyển biến lớn. Những chuyển biến lớn của đời sống tôn giáo ở Việt Nam được trình bày trên ba phương diện cơ bản: phương diện niềm tin, phương diện thực hành và phương diện các tổ chức, cộng đồng tôn giáo. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cho thấy vai trò, vị trí của các tôn giáo ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội, các tôn giáo có đóng góp to lớn trong việc xây dựng đạo đức, lối sống, trong việc từ thiện xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... Một điểm đáng lưu ý đó là, những nhận thức về tôn giáo của xã hội đã có sự chuyển biến một cách căn bản, thay vì nhìn nhận tôn giáo như một hình thái ý thức xã hội thì giờ đây, tôn giáo được nhìn nhận như một thực thể xã hội, một lực lượng xã hội và là một nguồn lực xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
|
Đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao, làm sâu sắc được bối cảnh phát triển hiện nay và các xu hướng chuyển biến của đời sống tôn giáo trong tình hình mới, đưa ra một số kiến nghị có giá trị. Những nội dung trình bày trong đề tài sẽ là những gợi ý quan trọng trong hoạch định chính sách, điều chỉnh công tác tôn giáo trong thời gian tới cũng như là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực tôn giáo, cũng như đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, hiểu biết của toàn xã hội Việt Nam. Một số kết quả của để tài, nhất là những kiến nghị đã được chắt lọc để gửi tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII cũng như các cơ quan, ban ngành khác.
Nguyễn Thu Trang