HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Khổng Diễn, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Lâm Bá Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Các thành viên hội đồng gồm: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Duy Bính, Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Văn Đạo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Học viện Chính trị Khu vực I; TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, Đại học Tây Nguyên; TS. Nguyễn Văn Lạng, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Lê Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo Viện Dân tộc học, Chủ nhiệm đề tài và tập thể các nhà khoa học thực hiện đề tài cùng tham dự.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Quang Hoan trình bày kết quả nghiên cứu tập trung làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc, các yếu tố tác động đến quan hệ tộc người và đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên, đúc rút các bài học kinh nghiệm, đề xuất và luận giải quan điểm, định hướng và các giải pháp đối với chính sách dân tộc nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.
Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tộc người, quan hệ tộc người và đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Chương 2: Thực trạng quan hệ tộc người ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay. Chương 3: Thực trạng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay. Chương 4: Quan điểm định hướng và giải pháp đổi mới chính sách dân tộc nhằm quản lý các mối quan hệ tộc người và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài cho thấy một số nét cơ bản về khu vực này như sau:
- Tây Nguyên từ lâu được biết đến là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Không phải ngẫu nhiên, trước đây đã có ý kiến cho rằng “ai làm chủ được Tây Nguyên thì kiểm soát được toàn bộ Đông Dương”. Cho đến trước 1975, Tây Nguyên vẫn là địa bàn cư trú tập trung từ lâu đời của các tộc người tại chỗ còn ở trong một xã hội tương đối sơ khai, trình độ phát triển rất thấp so với các tộc người ở những vùng khác của Việt Nam.
- Một trong những biến đổi lớn về xã hội ở Tây Nguyên từ sau 1975, nhất là thời kì Đổi mới (1986) đến nay là sự biến đổi rất nhanh về cơ cấu thành phần tộc người, chủ yếu do tăng nhanh dân số cơ học. Bức tranh tộc người biến động mạnh đã làm cho đời sống sản xuất và văn hóa của các tộc người tại chỗ Tây Nguyên có nhiều biến đổi, đặc biệt là không gian sinh tồn các buôn làng và nguồn tài nguyên rừng. Tính đa dạng về cơ cấu tộc người là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập về dân số và dân sinh so với các vùng kinh tế - xã hội khác và so với cả nước.
- Bên cạnh cơ cấu tộc người đa dạng và phức tạp đó, Tây Nguyên cũng là địa bàn có một cơ cấu tôn giáo phức tạp với 4 tôn giáo chính, đông nhất là Công giáo, tiếp theo là Phật giáo,Tin Lành và Cao Đài.
- Từ Đổi mới đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên và các tộc người đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân dần được nâng lên. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo giữa các tộc người thiểu số tại chỗ, và các tộc người thiểu số mới di cư đến và người Kinh ngày càng giãn cách.
- Xu hướng xuyên suốt, chủ đạo trong các mối quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay là tính cố kết, đoàn kết, hợp, hợp tác cùng phát triển giữa các tộc người, các bộ phận dân cư.
- Quan hệ giữa các tộc người với quốc gia dân tộc về cơ bản và xuyên suốt là sự tin cậy, ổn định và gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Quan hệ giữa người Kinh và các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên về cơ bản vẫn biểu hiện tốt đẹp, hòa đồng, đoàn kết, tương trợ, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Quan hệ giữa các tộc người tại chỗ với các tộc người thiểu số mới di cư đến về cơ bản là đoàn kết và có quan hệ khá chặt chẽ với nhau trên các lĩnh vực cư trú xen kẽ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm làm ăn, kết hôn với người khác tộc, tham gia các hoạt động văn hóa tộc người… Mối quan hệ trong nội bộ tộc người và giữa các tộc người tại chỗ vẫn mang đậm yếu tố truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây các mối quan hệ về sinh kế, hôn nhân – gia đình giữa các dân tộc tại chỗ đã xuất hiện những yếu tố mới. Quan hệ đồng tộc, thân tộc xuyên quốc gia đã có những ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng và sự ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nguyên.
- Xu hướng chủ yếu trong quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay vẫn là đoàn kết và hòa hợp, tiếp thu các yếu tố phù hợp trong hoạt động kinh tế, quản lý xã hội truyền thống, đặc điểm văn hóa… giữa các tộc người với nhau trên cơ sở ngày càng phát triển yếu tố quốc gia, hiện đại. Trong các yếu tố tác động mạnh nhất đến các mối quan hệ tộc người và khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên, trước hết là các yếu tố chính sách, nhất là chính sách đất đai và chính sách di dân. Mối quan hệ giữa các cộng đồng cùng tộc người và khác tộc ở Tây Nguyên sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
- Thực tiễn các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trước hết phải bắt đầu từ đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo thực tiễn về công tác dân tộc và chính sách dân tộc cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô ở các tỉnh Tây Nguyên.
Tập thể tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong việc phát triển bền vững Tây Nguyên.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, về phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận; các giải pháp, khuyến nghị đưa ra có tính khả thi cao, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Tuy nhiên, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm, chỉnh lại một số lỗi kỹ thuật, cân đối lại số trang giữa các chương, viết cô đọng hơn báo cáo kiến nghị. Đề tài đã được Hội đồng xếp loại Xuất sắc./.
Nguyễn Thu Hà