Đoàn lãnh đạo cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Tỉnh An Giang về Đề án Nghiên cứu tổng thể về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Đoàn lãnh đạo cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm việc với Tỉnh An Giang về Đề án Nghiên cứu tổng thể về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ

24/07/2015

Ngày 23/7/2015, tại Thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), Đoàn lãnh đạo cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã làm việc với Tỉnh An Giang về triển khai Đề án Nghiên cứu tổng thể về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và đồng chí Phan Văn Sáu <br>tại buổi làm việc     Toàn cảnh buổi làm việc triển khai Đề án Nghiên cứu <br>tổng thể về văn hóa Óc Eo

Thành phần đoàn công tác của Viện Hàn lâm gồm: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; PGS.TS. Bùi Chí Hoàng và cán bộ Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Về phía tỉnh An Giang có: đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Ban Quản lý Khu văn hóa Óc Eo, huyện Thoại Sơn.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng thăm phòng trưng bày hiện vật<br> Văn hóa Óc Eo

Thay mặt nhóm nghiên cứu khảo cổ học của Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Chí Hoàng trình bày khái quát về những kết quả nghiên cứu tích lũy được trong quá trình khảo sát, khai quật, nghiên cứu, đánh giá khu di tích Óc Eo những năm vừa qua, đồng thời chỉ rõ tính cấp thiết, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án Nghiên cứu tổng thể về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ cũng như những khó khăn, thách thức trong triển khai Đề án trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ, nghiên cứu về khu di tích Óc Eo đã được Viện Hàn lâm chỉ đạo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện từ sau năm 1975, đến nay qua quá trình khai quật, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đã thu được một số kết quả hết sức quan trọng, là căn cứ để Viện Hàn lâm đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề án Nghiên cứu tổng thể về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án trong giai đoạn này là chứng minh tính bản địa của văn hóa Óc Eo và những văn hóa vật chất của thời kỳ này là nền tảng của vương quốc Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ, trên cơ sở đó cung cấp tư liệu để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu di tích Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới. Chủ tịch Viện Hàn lâm chỉ đạo nhóm nghiên cứu cần xây dựng lộ trình khảo sát và nghiên cứu, trước mắt tập trung khai quật vùng lõi, sau đó, dựa trên kết quả nghiên cứu và khả năng kinh phí, cân nhắc mở rộng khai quật vùng ngoại vi để nhận diện toàn cảnh và so sánh với các nền văn hóa cổ trong khu vực Đông Nam Á. Cần chú trọng các hoạt động phân tích, đánh giá lập hồ sơ, lập bản đồ để phát huy giá trị của khu di tích, nhất là đối với phát triển du lịch, sử dụng hệ thống GIS, sử dụng cách tiếp cận hiện đại trong phân tích, đánh giá di tích.

Đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Ban Quản lý Khu văn hóa Óc Eo, huyện Thoại Sơn phát biểu ý kiến bày tỏ đồng tình về tính cấp thiết của Đề án, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề dưới góc độ quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực chuyên môn đối với Đề án để nhóm nghiên cứu quan tâm xử lý khi triển khai Đề án.

Đoàn lãnh đạo cấp cao của Viện Hàn lâm thăm<br> Khu di tích trưng bày ngoài trời     Đoàn lãnh đạo cấp cao của Viện Hàn lâm <br>khảo sát khu di tích Óc Eo – Ba Thê

Đồng chí Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu cam kết ủng hộ và phối hợp tối đa trong quá trình triển khai Đề án, vì mục đích không chỉ là sản phẩm phục vụ phát triển du lịch An Giang mà quan trọng hơn là liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Về phạm vi của Đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là để cung cấp tư liệu phục vụ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới. Để phục vụ phát triển du lịch của tỉnh thì cần các bước tiếp theo và cần thêm kinh phí (từ quốc gia, từ xã hội hóa,…) để đầu tư khai quật và nghiên cứu sâu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý nhóm nghiên cứu về thực tế có những khó khăn mà đại diện các Sở, Ban, Ngành của tỉnh đã đề cập, đồng thời cam kết sẽ cũng Viện Hàn lâm tính toán các địa điểm sẽ khai quật, có các giải pháp hành chính để đạt được mục đích của Đề án. Để triển khai Đề án, trước tiên cần hình thành Ban chủ nhiệm Đề án, xây dựng kế hoạch, phân công giữa các bên tham gia.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tỉnh An Giang trong phối hợp triển khai Đề án. Viện Hàn lâm sẽ sớm thành lập Ban chủ nhiệm Đề án với bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, thực hiện phân công giữa các bên tham gia, tập hợp các nhà khảo cổ học trong và ngoài Viện Hàn lâm theo yêu cầu về chuyên môn nhằm mục tiêu cao nhất của giai đoạn này của Đề án là tập trung nghiên cứu để khẳng định giá trị của khu di tích Óc Eo – Ba Thê là một phần di sản văn hóa quan trọng trong tổng thể giá trị văn hóa Việt Nam, cung cấp tư liệu phục vụ công tác xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.

Nhân dịp đến làm việc tại tỉnh An Giang, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm và đoàn công tác đã đến thăm và khảo sát khu di tích Óc Eo – Ba Thê./.

                                                                                                            TS. Vũ Hùng Cường

Các tin đã đưa ngày: