Dự án cấp Bộ “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2016” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Dự án cấp Bộ “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2016” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

01/03/2017

Sáng ngày 28 tháng 02 năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2016” do PGS.TS. Bùi Minh Trí làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là cơ quan chủ trì. Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Chủ nhiệm Dự án báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

Mục tiêu tổng quát của Dự án là: (1) Tổ chức tái điều tra, khai quật, nghiên cứu các dấu tích kiến trúc của các thời kỳ đã xuất lộ trong các hố khai quật tại khu di tích nhằm làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất, niên đại, hình thái kiến trúc cũng như mối quan hệ của các loại hình di tích, trên cơ sở đó đánh giá giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... của các loại hình di tích; Thu thập và hệ thống hóa tư liệu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di tích) để phục vụ cho công tác lập hồ sơ khoa học về di tích; (2) Tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý theo phương pháp và quy trình phân loại các loại hình di vật khai quật được tại khu di tích (gồm các khu ABCD và E) nhằm làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của di vật dựa trên kết quả nghiên cứu xác định loại hình học, xác định nguồn gốc, niên đại, vai trò, chức năng và tính xã hội của di vật; Hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật các loại hình di vật mẫu)... để phục vụ cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật; (3) Tổ chức nghiên cứu so sánh thông qua các chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích bên ngoài Hoàng thành Thăng Long nhằm thu thập tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, đánh giá, xác định loại hình, nguồn gốc, niên đại, tính chất, chức năng... của các loại hình di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu; (4) Tổ chức nghiên cứu lập Hồ sơ khoa học về di tích, di vật theo phương pháp, quy trình khảo cổ học để tiến tới lập Hồ sơ khoa học tổng thể về kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của khu di tích. Đây là công trình khoa học mang tính tổng kết, đánh giá toàn bộ kết quả nghiên cứu về khu di tích trên nhiều phương diện qua những thành tựu nghiên cứu so sánh và chỉnh lý tư liệu về di tích, di vật; (5) Bàn giao toàn bộ di vật và hệ thống hồ sơ báo cáo kết quả chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị về di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu cho các cơ quan quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa nhằm cung cấp những cơ sở, luận cứ khoa học quan trọng cho công tác quản lý, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích.

Mục tiêu chung của Dự án là tổ chức thực hiện công tác chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về toàn bộ các loại hình di tích, di vật khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ những năm 2002 - 2004 (khu ABCD) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội năm 2008 - 2009 (khu E). Do đây là Dự án lớn, có nhiều tính phức tạp và khó nên Dự án được xác định là sẽ tổ chức thực hiện trong nhiều năm và được triển khai thực hiện theo kế hoạch lộ trình từng năm.

        Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu

Mục tiêu cụ thể của Dư án năm 2016: a) Duy trì công tác bảo vệ, bảo quản di vật đang lưu giữ tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội; b) Tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý theo phương pháp và quy trình phân loại các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm phân định loại hình học, xác định nguồn gốc, niên đại và lựa chọn di vật mẫu; Hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật các loại hình di vật mẫu)... để phục vụ cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật; c) Tổ chức nghiên cứu, phân loại, chỉnh lý các loại hình di vật của các di tích nghiên cứu so sánh thực hiện năm 2015, cụ thể di tích Hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), di tích Thành Cha (Bình Định) nhằm hoàn thiện hồ sơ tư liệu về di vật (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật các loại hình di vật mẫu)... để phục vụ cho công tác xây dựng Báo cáo kết quả khai quật chính thức của di tích theo qui đinh; d) Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu so sánh bên ngoài khu di tích Hoàng thành Thăng Long thông qua các chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhằm thu thập cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa tư liệu phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác nghiên cứu, phân tích so sánh, đánh giá giá trị về đặc trưng, niên đại, nguồn gốc, tính chất, chức năng... của di tích, di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long; e) Biên soạn và xuất bản Thông báo khoa học công bố về kết quả khai quật, nghiên cứu so sánh thực hiện trong năm 2016.

Dự án đã tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tốt công tác bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho di vật tại các kho số 4 Nguyễn Tri Phương và số 5 Hoàng Diệu trong khu Thành cổ Hà Nội. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng bảo quản và xử lý bảo quản các di vật tại các kho; Điều chỉnh, sắp xếp hiện vật tại các kho, đảm bảo các điều kiện tối thiểu về bảo quản; Tiếp tục xử lý bảo quản di vật kim loại, đồ gỗ và xương động vật theo quy trình bảo quản theo định kỳ.

Tố chức thực hiện công tác chỉnh lý, nghiên cứu di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu Thành cổ Hà Nội: Phân loại hiện vật theo niên đại và nguồn gốc; Phân loại hiện vật theo chất liệu và loại hình học; Phân loại chi tiết loại hình học di vật theo loại và kiểu loại; Lựa chọn mẫu tiêu biểu (loại và kiểu loại tiêu biểu) (phục vụ đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu hiện vật); Tư liệu hóa di vật: Ghi chép đặc trưng và đánh giá chung về di vật phân loại; Lập hệ thống bảng kê hiện vật; Bảo quản di vật sau phân loại: Thu dọn, sắp xếp hiện vật vào khu vực bảo quản theo quy chuẩn; Làm Hồ sơ tư liệu di vật.

Kết quả nghiên cứu của Dự án được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn./.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: