Dự án cấp Bộ “Điều tra thực trạng đọc văn học ở Việt Nam hiện nay” nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Dự án cấp Bộ “Điều tra thực trạng đọc văn học ở Việt Nam hiện nay” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

30/12/2015

Chiều ngày 28 tháng 12 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ Dự án “Điều tra thực trạng đọc văn học ở Việt Nam hiện nay” do PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp làm chủ nhiệm, Viện Văn học là cơ quan chủ trì thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Chủ nhệm Dự án <br> báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội đồng

Dự án được thực hiện với ba mục tiêu cơ bản: Thứ nhất, khảo sát, điều tra thực trạng đọc văn học tại một số vùng khác nhau, bao gồm nhiều loại độc giả để có cái nhìn bao quát về thực trạng văn hóa đọc văn học trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế mở rộng trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn khác.

Thứ hai, trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, phân tích xây dựng các chuyên đề nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo chiều hướng phát triển của văn hóa đọc văn học ở nước ta.

Thứ ba, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và mở rộng văn hóa đọc sách văn học hiện nay.

Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 5 chương: Chương 1: Bối cảnh văn hóa xã hội của thực tiễn tiếp nhận văn học ở Việt Nam đương đại; Chương 2: Thực trạng đọc văn học ở miền Bắc; Chương 3: Thực trạng đọc văn học ở miền Trung và Tây Nguyên; Chương 4: Thực trạng đọc văn học ở miền Nam; Chương 5: Thực trạng đọc văn học ở Việt Nam hiện nay: giải pháp và kiến nghị.

Báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cho thấy, thực hiện dự án, mọi khảo sát đều đặt văn học trong hệ thống văn hóa, trong sự tương tác với các loại hình nghệ thuật khác để thấy được vị trí và tầm quan trọng của văn học trong đời sống tinh thần của người dân. Đánh giá văn hóa đọc và thực trạng đọc văn học theo hướng so sánh và tiến tới nhận diện văn hóa đọc và thực trạng đọc trên cả nước là công việc thiết thực và có ý nghĩa.

Đặt việc đọc và đọc văn học trong bối cảnh văn hóa xã hội của thời đại thông tin, có thể nhận thấy những thách thức và cơ hội mà truyền thông đem lại. Xã hội hóa hoạt động thông tin và có chiến lược phù hợp để phát triển các chương trình khoa học xã hội và nhân văn, các chương trình văn học nghệ thuật trong hệ thống thu phát miễn phí sẽ thực sự đem lại lợi ích bởi số lượng đông đảo người dân được thụ hưởng, nhất là trong điều kiện giá bán sách và văn hóa phẩm còn cao so với thu nhập của người dân như ở Việt Nam hiện nay.

Đặt việc đọc và đọc văn học trong bối cảnh phát triển giáo dục, có thể nhận thấy những phương cách và hệ quả mà giáo dục đem lại cho văn học nghệ thuật và việc thụ hưởng văn học nghệ thuật. Căn bản giáo dục học đường và việc xã hội hóa giáo dục đã hình thành ở người dân niềm tin vào vai trò và sự cần thiết của việc đọc sách và sách văn học nghệ thuật. Đây là một kết quả không dễ gì có được nên việc duy trì và nhân rộng niềm say mê đọc trong đời sống là việc cần thiết và có ý nghĩa. Việc suy giảm niềm tin yêu vào các môn văn, sử trong nhà trường hiện nay là một thực tế đáng báo động và cần phải nhanh chóng tìm hướng khắc phục.

      Toàn cảnh Hội đồng nghiêm thu

Đặt việc đọc và đọc văn học trong các loại hình nghệ thuật mà văn chương chữ nghĩa là một thành tố, có thể nhận thấy những khắc chế và tương thích giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau góp vào quá trình bồi dưỡng năng lực, tình cảm, thẩm mỹ của con người. Hoạch định các chính sách phát triển văn học trong điều kiện xã hội hiện đại phải được coi là công việc gấp rút, có ý nghĩa, để hình thành một sinh thái tinh thần lành mạnh, góp phần bảo đảm cho một xã hội nhân văn và nhân ái trong tương lai.

Đặt việc đọc và đọc văn học trong các hình thức tồn tại khác nhau của nó, có thể nhận thấy những chân trời và giới hạn mà công nghệ đã đem lại cho văn học nghệ thuật. Việc đầu tư thích đáng vào cả hai loại hình sách giấy truyền thống và sách điện tử đều cần thiết, một mặt để đáp ứng một phần thị hiếu và duy trì biểu tượng văn hóa mà sách giấy đem lại, mặt khác phải tiếp tục thúc đẩy phát triển sách điện tử để thuận tiện cho các nhu cầu sử dụng và thụ hưởng văn hóa.

Đặt việc đọc và đọc văn học vào trong những bối cảnh rộng lớn khác nhau, điều quan trọng hơn là mỗi người đọc cần phải đặt việc đọc vào chính nó, lấy ý thức và trách nhiệm cá nhân để soi xét các hành vi lựa chọn/ từ chối việc đọc, nghiền ngẫm về những cánh cửa mà sự đọc mở ra hay mãi khép lại nếu như ta không mở cánh cửa của trang sách. Mặc dù thực trạng văn hóa đọc và đọc văn học ở Việt Nam theo nghiên cứu của dự án là không mấy sáng sủa, và có mặt bằng thấp so với nhiều quốc gia khác, nhưng văn hóa đọc không hẳn đã xuống cấp như nhiều người lo ngại. Thậm chí, khi dân trí được nâng cao, việc đọc có xu hướng rộng mở hơn, không gian đọc đa dạng hơn. Nhưng chất lượng đọc thì có nhiều vấn đề cần suy nghĩ, nhất là khi nhiều người coi đọc nhằm phục vụ cho thi cử hay là công việc trước mắt hơn là đọc để nâng cao trình độ và đọc như một thụ hưởng văn hóa suốt đời. Việt Nam chưa hình thành một đời sống đọc, một xã hội đọc thực sự nên vấn đề không phải lo sợ sự xuống cấp mà là cần thiết phải dựng xây để vươn lên. Những khảo sát bước đầu của Dự án cho thấy tương lai của nỗ lực ấy. Tất nhiên, với điều kiện ngay từ bây giờ, cùng với người dân, chính quyền phải có được những quyết sách đúng đắn phù hợp với đà phát triển của dân tộc và thời đại.

Dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của Dự án sẽ được chỉnh sửa và xuất bản, ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: