Tham dự hội nghị có PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng chủ nhiệm chương trình; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng chủ nhiệm chương trình; các đồng chí trong Ban chủ nhiệm chương trình Tây Nam Bộ; GS.TS. Nguyễn Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các Vụ Khoa học xã hội & nhân văn và tự nhiên, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Cục công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của Đại học Quốc gia TPHCM; các cán bộ Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ; chủ nhiệm các đề tài, nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây Nam Bộ.
Về phía Viện Hàn lâm có PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Chánh văn phòng chuyên môn Chương trình Tây Nam Bộ; ThS. Lê Thị Thu Hương, Thư ký khoa học Chương trình Tây Nam Bộ; đại diện các đề tài mảng KHXH&NV và PTBV thuộc Chương trình Tây Nam Bộ đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Viện Triết học, Học viện Khoa học xã hội, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Hội nghị đã nghe các phát biểu khai mạc của PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng chủ nhiệm chương trình và của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng chủ nhiệm chương trình; báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện và định hướng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2018-2019 do ông Phạm Ngọc Minh, Chánh Văn phòng Chương trình trình bày.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng chủ nhiệm chương trình đánh giá những kết quả nghiên cứu và các đề xuất giải pháp của các đề tài, nhiệm vụ mảng KHXH&NV và PTBV giai đoạn 1 đã có những đóng góp bước đầu vào mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về tiến độ và khoảng trống nghiên cứu, những vướng mắc trong triển khai chương trình cần có sự phối hợp chặt chẽ giải quyết giữa hai cơ quan đồng chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chương trình và Văn phòng chuyên môn của chương trình. Giáo sư đồng chủ nhiệm chương trình đề nghị: (i) Các đề tài, nhiệm vụ đã được phê duyệt cần khẩn trương triển khai đúng theo kế hoạch tiến độ, đảm bảo đúng sản phẩm đã đăng ký; cần tăng cường sự tham gia của chính quyền, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia ở các địa phương trong vùng để các sản phẩm nghiên cứu, các khuyến nghị giải pháp, chính sách thực sự có hàm lượng khoa học và tính khả thi cao; (ii) Văn phòng Chương trình và Văn phòng chuyên môn cần tham mưu lãnh đạo hai Bộ chủ trì rà soát danh mục các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đang thực hiện, so với khung mục tiêu và nội dung nghiên cứu của chương trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để khẩn trương tiếp tục kêu gọi các đề xuất nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo và triển khai các thủ tục tuyển chọn nhằm đảm bảo các đề tài, nhiệm vụ, sản phẩm của chương trình bao quát đầy đủ khung mục tiêu và nội dung nghiên cứu của chương trình đã được phê duyệt, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) Văn phòng chương trình, với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Văn phòng chuyên môn, cần chủ động và phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu mối của hai Bộ chủ trì trong mối quan hệ công tác với các Bộ và các cơ quan liên quan, hỗ trợ tốt hơn các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với Ban Chủ nhiệm chương trình và hai Bộ chủ trì trong tổ chức, quản lý các đề tài, nhiệm vụ thuộc chương trình, để đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ trong chương trình.
Giáo sư đồng chủ nhiệm chương trình cũng mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, các chính quyền, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ để các đề tài, nhiệm vụ và chương trình triển khai thuận lợi, đáp ứng được mục tiêu, tiến độ và yêu cầu đề ra, đáp ứng sự mong đợi của các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Cần Thơ tháng 9 năm 2017.
Hội nghị cũng nghe 3 báo cáo điển hình của 3 đề tài theo 3 mảng khoa học của chương trình. Đại diện cho mảng KHXH&NV và PTBV, đề tài Thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ do TS. Khúc Thị Thanh Vân làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển thuộc Viện Hàn lâm là tổ chức chủ trì, với cách thức tổ chức triển khai chuyên nghiệp, nghiêm túc, phát huy được sự tham gia của chính quyền, các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ, đảm bảo tiến độ và kết quả khoa học đã được lựa chọn báo cáo điển hình tại hội nghị.
Các nhà khoa học, chuyên gia tham dự hội nghị đã phát biểu sôi nổi, thảo luận về các kết quả đạt được và định hướng nghiên cứu giai đoạn tiếp theo sao cho rõ về sản phẩm và địa chỉ ứng dụng. Đồng thời, các nhà quản lý đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có những trao đổi thẳng thắn, chia sẻ nhằm phối hợp tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của chương trình.
|
Phát biểu tổng kết hội nghị, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đồng chủ nhiệm chương trình đánh giá cao các ý kiến thảo luận, trao đổi của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý tại hội nghị, đồng thời nhấn mạnh, các đề tài, nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình cần gắn sát hơn với thực tiễn, các sản phẩm phải có khả năng ứng dụng cao và rõ về địa chỉ ứng dụng, yêu cầu các đề tài, nhiệm vụ thuộc các mảng nghiên cứu khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai, thể hiện rõ tính liên ngành, để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của các sản phẩm nghiên cứu, để chương trình Tây Nam Bộ đáp ứng đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ./.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường