Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3

04/07/2015

Chiều ngày 2/7/2015, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN3/X14. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) làm chủ nhiệm: thực hiện trong giai đoạn 2013-2014.

Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Hàn lâm, Chủ tịch hội đồng; hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Đại học kinh tế Quốc dân; Các thành viên hội đồng gồm TS. Nguyễn Văn Lạng, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Văn Tiên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm; PGS.TS. Phạm Bích San, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Vũ Tiến, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Văn Tân, Tổng cục Dân số, Bộ Y Tế. Ngoài ra còn có đại diện Viện Hàn lâm, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Chủ nhiệm đề tài và tập thể thực hiện đề tài.

Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về dân số, di dân và phát triển, đề tài đã xem xét quá trình gia tăng dân số ở Tây Nguyên sau gần 40 năm giải phóng và 30 năm đổi mới. Bức tranh dân số các tỉnh Tây Nguyên đã có những biến đổi lớn về quy mô và cơ cấu dân số theo tộc người, nhóm tuổi. Qua nhiều thập kỷ, Tây Nguyên luôn là địa bàn tiếp nhận các dòng di cư đến từ các địa phương thì trong những năm gần đây đã xuất hiện dòng xuất cư ra khỏi Tây Nguyên của lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề, muốn chuyển về trung tâm đô thị để có việc làm và thu nhập tốt hơn. Trong 10 năm qua, sự phát triển dân số và di dân Tây Nguyên đã có những tác động lớn đối với phát triển xã hội, xung đột đất đai và sức ép lên môi trường sinh thái, đòi hỏi phải có những giải pháp chính sách kịp thời và phù hợp với đặc trưng cấu trúc xã hội của vùng đất này. Theo kết quả dự báo của đề tài, dân số Tây Nguyên sẽ có quy mô 7,1 triệu người vào năm 2020. Từ các phân tích nói trên, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp khả thi, các kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm phát triển dân số hợp lý và ổn định các luồng di dân ở Tây Nguyên, hướng tới phát triển bền vững ở khu vực này.

Các thành viên Hội đồng đã thảo luận từng nội dung nghiên cứu và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đề tài có những đóng góp về giá trị khoa học: (1) Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về dân số và di dân trong mối liên hệ với phát triển bền vững; (2) Mô tả thực trạng và biến động dân số và di dân ở Tây Nguyên qua các thời kỳ; (3) Dự báo được xu hướng phát triển dân số và di dân của khu vực này vào các mốc 2020, 2030 và 2040. Trên có sở đó, đề tài đã xuất một số kiến nghị chính sách dân số và di dân Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 liên quan đến góc độ thể chế.

Đề tài đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của hợp đồng đã ký, đảm bảo tính chính xác và trung thực, đã công bố kết quả nghiên cứu trên 8 tạp chí chuyên ngành có uy tín và xuất bản 1 sách tham khảo về dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Các báo cáo của đề tài (bao gồm báo cáo chính, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị, cùng với các sản phẩm trung gian khác) mang tính hệ thống, logic, lập luận chặt chẽ, phân tích rõ ràng dựa trên cách tiếp cận phù hợp.

Bên cạnh việc đánh giá cao thành tựu khoa học của đề tài, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và chỉnh sửa một số điểm liên quan đến nội dung đề tài, đặc biệt là bổ sung thêm các số liệu khảo sát của đề tài bên cạnh việc sử dụng các số liệu về Tây Nguyên từ các cuộc điều tra quốc gia.

Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về một số vấn đề quan trọng nhằm cung cấp luận cứ cho các giải pháp chính sách khả thi, giúp các cơ quan hữu quan, các cơ quan quản lý nhà nước và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thực hiện được mục tiêu đã đặt ra.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: