Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Hệ thống chính trị ở cơ sở phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Hệ thống chính trị ở cơ sở phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3

21/07/2015

Chiều ngày 17/7/2015, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước(HĐKHCNNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “ Hệ thống chính trị ở cơ sở phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN3/X03. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) làm chủ nhiệm; thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2014.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài

HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Phạm Văn Đức, (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm), Chủ tịch hội đồng; TS. Hoàng Xuân Lương, Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch hội đồng; hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS. Ngô Ngọc Thắng, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Các thành viên hội đồng gồm GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Viện Hàn lâm; Ông Trần Việt Hùng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; GS.TS. Nguyễn Đình Tấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS. Ngô Quang Sơn, Viện Dân tộc, Ủy ban dân tộc; PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có đại diện chuyên viên Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài và tập thể thực hiện đề tài.

Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài phân tích và xây dựng cơ sở khoa học cho việc đổi mới, phát triển Hệ thống chính trị (HTCT) ở cơ sở, hiện thực hóa các mối quan hệ cơ bản trong HTCT ở cơ sở tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo hướng phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên (PTBVTN), đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ trong các thiết chế quyền lực chính trị, tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong quá trình đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

Tập thể tác giả đã làm rõ các khía cạnh lý luận cơ bản liên quan đến xây dựng HTCT ở cơ sở phục vụ PTBVTN; Phân tích, đánh giá tiến trình phát triển và thực trạng tổ chức, hoạt động  HTCT ở cơ sở tại Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay; Chỉ ra hiệu quả hoạt động và mức độ đáp ứng của HTCT ở cơ sở đối với nhu cầu PTBVTN; Xác định những yêu cầu hiện thực của việc tiếp tục phát triển HTCT ở cơ sở tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên trên quan điểm PTBBV; Qua đó, đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục phát triển HTCT ở cơ sở phục vụ PTBVTN giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó, góp thêm luận cứ khoa học cho việc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 và kiến nghị những nội dung cụ thể cho việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, điểm nhấn về mặt lý luận của Đề tài cũng thể hiện qua việc phân tích những nội dung sau: (1) Xây dựng khái niệm HTCT ở cơ sở; (2) Xác định 05 đặc điểm của HTCT ở cơ sở; (3) Mở rộng nội hàm khái niệm “Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”; (4) Xác lập các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của Hệ thống chính trị cơ sở đối với phát triển bền vững vùng Tây Nguyên; (5) Phân tích 04 nhóm yếu tố đặc thù và khả năng tác động của từng yếu tố (địa - kinh tế, địa- chính trị, địa – xã hội, văn hóa chính trị - pháp lý truyền thống) đến tổ chức và hoạt động của HTCT ở cơ sở vùng Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 nhấn mạnh một số điểm liên quan đến Đề tài như: góc độ tiếp cận vấn đề nghiên cứu trên 3 trụ cột (kinh tế chính trị, nhà nước pháp quyền, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa); bám sát thực tiễn vấn đề phát triển bền vững ở Tây Nguyên từ việc xem xét Hệ thống chính trị (kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường); Ổn định chính trị ở Tây Nguyên… Giáo sư đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài, mặt khác cũng nêu lên những nhiệm vụ đặt ra cho nhóm nghiên cứu trong việc tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài đã: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận về xây dựng HTCT ở cơ sở phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên; (2) Phân tích được thực trạng tổ chức và hoạt động của Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng Tây Nguyên; (3) Đề xuất 04 quan điểm và hai phương án cùng các giải pháp xây dựng Hệ thống chính trị ở cơ sở phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm liên quan tới nội dung của đề tài: (1) Nhất quán cách đặt vấn đề Hệ thống chính trị ở cơ sở; (2) Bám sát vấn đề thực tiễn luận giải vấn đề; (3) Làm rõ mô hình chính trị cơ sở xuất phát từ điều kiện thực tế ở Tây Nguyên…

Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu của đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính cụ thể, toàn diện, khả thi, góp phần xây dựng HTCT ở cơ sở chuẩn mực, điển hình, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phục vụ PTBVTN.

Nguyễn Thu Trang

Các tin đã đưa ngày: