Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu cấp nhà nước đề tài “Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, đạt loại xuất sắc

10/06/2015

Chiều ngày 9/6/2015, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đánh giá kết quả thực hiện đề tài: “Tây Nguyên trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia”, mã số TN3/X02. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) làm chủ nhiệm; thực hiện trong giai đoạn 2012-2014.

Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: GS.TS. Đỗ Đức Bình, Trường Đại học kinh tế Quốc dân, Chủ tịch hội đồng; hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Các thành viên hội đồng gồm GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Viện Hàn lâm; PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương; PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Văn Lạng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Trần Việt Hùng, Ban chỉ đạo Tây Nguyên; TS. Hồ Trung Thanh, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương. Ngoài ra còn có đại diện Viện Hàn lâm, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Chủ nhiệm đề tài và tập thể thực hiện đề tài.

Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đề tài phân tích và làm rõ các khía cạnh lý thuyết và thực tiễn trong hợp tác kinh tế xã hội xuyên biên giới. Trên cơ sở đó đánh giá đầy đủ thực trạng phát triển của Tây Nguyên trong hợp tác xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia và đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường vai trò của Tây Nguyên trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia.

Tập thể tác giả đã làm rõ một số khía cạnh lý thuyết và thực tiễn về hợp tác khu vực nói chung, hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới nói riêng; Làm rõ vai trò, vị trí của Tây Nguyên trong hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới của tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia; Phân tích, đánh giá tiến trình, thực trạng phát triển tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia từ 1999 đến nay, từ đó làm rõ các vấn đề kinh tế - xã hội xuyên biên giới đặt ra hiện nay; Phân tích đánh giá các bài học kinh nghiệm về hợp tác xuyên biên giới cho khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia; Qua đó đề xuất quan điểm định hướng, các chính sách, giải pháp chung cho Tây Nguyên trong việc mở rộng hợp tác nói chung, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới nói riêng vùng tam giác phát triển giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030; Xây dựng hệ thống dữ liệu về tình hình hợp tác kinh tế - xã hội của Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia.

    Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu

Hợp tác kinh tế xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia bước đầu đã tạo ra một số bước chuyển nhất định trong lĩnh vực đầu tư, trao đổi thương mại. Đến nay, hợp tác phát triển kinh tế xuyên biên giới vùng tam giác phát triển đã tạo lập được các hoạt động đầu tư mặc dù chỉ là một chiều từ các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên và một số khu vực khác vào các hoạt động trồng cây cao su, sản xuất và chế biến một số sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khu vực; hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới giữa ba bên vẫn còn rất nhỏ bé. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến thể chế hợp tác xuyên biên giới cho khu vực về tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư như Hiệp định về xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực tam giác phát triển, Hiệp định chung về khuyến khích các hoạt động đầu tư cho 13 tỉnh hay các quy định thống nhất về thủ tục hải quan, hàng hóa quá cảnh... vẫn chưa đạt được giữa các bên. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng như hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu, đường giao thông, các chợ biên giới nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực vẫn còn là một trở ngại lớn đối với toàn khu vực, nhất là các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế xuyên biên giới vùng tam giác phát triển hình thành và phát triển dựa trên nền tảng kém phát triển về lực lượng sản xuất, về thể chế kinh tế thị trường trên toàn khu vực, nhất là các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Chính vì lẽ đó, các giải pháp nhằm phát triển hợp tác kinh tế cho khu vực phải được hướng trước tiên vào việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên toàn khu vực, nhất là các khu vực còn quá lạc hậu ở 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia và 4 tỉnh Nam Lào. Bên cạnh đó, những khiếm khuyết trong việc hình thành các quan hệ bổ sung về nguồn lực, về vai trò của khu vực tư nhân, cực tăng trưởng, tất cả đều kỳ vọng vào những nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của Tây Nguyên trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Trong đó, ngoài những nỗ lực của chính phủ trung ương, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước còn là sự tham gia của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân ngoài khu vực.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, con đường để đưa hợp tác kinh tế xuyên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia đi tới thành công không chỉ tùy thuộc vào quyết tâm chính trị mà còn là những hoạt động triển khai trên thực tế của lãnh đạo ba nước cũng như những nỗ lực của chính quyền các địa phương trên mọi phương diện.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, khẳng định tập thể tác giả đã nhìn nhận vấn đề trong sự thay đổi của cả khu vực nói chung, nhưng đặc biệt đối với các quốc gia Việt Nam – Lào – Campuchia với GMS và trong sự thay đổi của chính các quốc gia đó. Nghiên cứu đã chú trọng đến vấn đề kinh tế, cụ thể là vấn đề thương mại với khả năng thu hút và xúc tiến đầu tư. Giáo sư đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài, mặt khác cũng nêu lên những nhiệm vụ đặt ra cho nhóm nghiên cứu trong việc tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu, thứ nhất phân tích làm rõ nguyên nhân của những điểm yếu hiện tại; thứ hai, trong sự thay đối đó nên lựa chọn một số nội dung để đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt là các khuyến nghị cần lựa chọn một số vấn đề của hợp tác xuyên biên giới, chọn vùng lõi liên quan đến các tỉnh liền kề biên giới để đặt vấn đề hợp tác, cụ thể: (1) Kết nối hạ tầng; (2) Kết nối doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm; (3) Kết nối chính sách.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, Đề tài đã: (1) Hệ thống hóa làm rõ thêm vấn đề hợp tác xuyên biên giới, chỉ ra mục tiêu các yếu tố tác động đến hợp tác xuyên biên giới; (2) Phân tích được thực trạng phát triển vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới; (3) Làm rõ được một số vấn đề lớn đang tiếp tục đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và luận giải có tính chất khẳng định vai trò của Tây Nguyên đối với hợp tác phát triển vùng tam giác này; (4) Đề xuất được một số quan điểm hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và quan điểm nâng cao vai trò của Tây Nguyên cũng như một số định hướng và giải pháp nâng cao vai trò của Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội xuyên biên giới giới vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

 Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm liên quan tới nội dung của đề tài: (1) nên phân tích chi tiết thêm về mối quan hệ giữa phát triển hợp tác kinh tế - xã hội xuyên biên giới giới trong vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia trong bối cảnh thành lập AEC; (2) Rà soát lại, làm rõ thêm nguyên nhân làm hạn chế, bất cập trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; (3) Nên chọn lọc một số kiến nghị và phân tích chi tiết cụ thể để có tính khả thi cao hơn./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: