Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3

26/09/2015

Sáng ngày 26/9/2015, tại hội trường 3A, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN3/X08. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm chủ nhiệm; thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2014.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng - Chủ nhiệm đề tài  <br>trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: GS.TS. Võ Khánh Vinh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - Chủ tịch hội đồng;GS.TS.Phan Văn Hùng (Ủy ban Dân tộc) - Phó Chủ tịch hội đồng; hai ủy viên phản biện là GS.TS. Trần Xuân Cầu, Đại học Kinh tế quốc dân và GS.TS. Phan Văn Kha, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thành viên hội đồng gồm: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS.Trần Quốc Toàn, Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS.Phạm Quang Hoan, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS.Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS.Nguyễn Đức Tuy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kontum; TS. Nguyễn Hữu Dũng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; TS. Trần Trung Dũng, Trường Đại học Tây Nguyên; TS. Lê Đình Kỳ và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển, Chủ nhiệm đề tài và tập thể các nhà khoa học thực hiện đề tài cùng tham dự.

Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã phân tích và làm rõ:

- (i) Cơ sở lý luận và thực tiễn của phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và mối quan hệ giữa chúng với phát triển bền vững, áp dụng cụ thể cho Tây Nguyên;

- (ii) Đưa ra được những yêu cầu của việc đảm bảo phát triển bền vững Tây Nguyên đặt ra đối với việc giải quyết các vấn đề về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để làm cơ sở cho việc đề xuất những kiến nghị về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển phục vụ xây dựng chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên thời kỳ đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- (iii) Làm rõ thực trạng các vấn đề về giáo dục và đào tạo ở vùng Tây Nguyên giai đoạn 1986-2014: phát hiện được những thành tựu, hạn chế; những bài học kinh nghiệm về thành công và chưa thành công của phát triển giáo dục, đào tạo, những điểm mạnh, những ưu thế, những điểm yếu, hạn chế và tồn tại của nguồn nhân lực, nguyên nhân của chúng trên quan điểm phát triển bền vững Tây Nguyên;

- (iv) Phát hiện và làm rõ được những nội dung tích cực và những điểm bất cập; tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm về thành công và chưa thành công, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn Tây Nguyên, tìm ra được những nguyên nhân của chúng và đề xuất định hướng bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới.

- (v) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và các  chính sách phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của Tây Nguyên.

        Toàn cảnh hội trường nghiệm thu

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 3 chương. Chương 1: Những vấn đề lý luận về phát triển bền vững và mối quan hệ giữa giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực với phát triển bền vững. Chương 2: Thực trạng phát triển giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Tây Nguyên. Chương 3: Phương hướng và giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên.

Qua kết quả nghiên cứu, các tác giả cho rằng: (1) Hơn 30 năm qua, quy mô dân số Tây Nguyên liên tục tăng nhanh trong điều kiện kinh tế lạc hậu, kém phát triển. Mặc dù vậy, sự nghiệp giáo dục – đào tạo Tây Nguyên đã có những bước tiến bộ vượt bậc, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về giáo dục và đào tạo của dân cư trong vùng. (2) Hệ thống giáo dục, đào tạo của Tây Nguyên được xây dựng và phát triển chủ yếu theo chiều rộng tương ứng với quy mô dân số của các vùng qua các thời kỳ. Tuy nhiên, trình độ dân trí, kỹ năng lao động và chuyên môn kỹ thuật của người dân Tây Nguyên còn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. (3) Đã xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo về cơ bản đầy đủ, đồng bộ với tất cả các cấp, bậc học; loại hình tổ chức. Cơ sở vật chất kĩ thuật từng bước được cải thiện, tăng cường, nâng cấp đồng bộ hóa. Đội ngũ giáo viên được tăng cường. (4) Nguồn nhân lực Tây Nguyên tăng nhanh, chủ yếu do lao động di cư, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Đã hình thành và phát triển được đội ngũ nhân lực với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kĩ năng lao động khá cao trong các lĩnh vực quản lí nhà nước, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – nghệ thuật, tài chính – ngân hàng và trong một số lĩnh vực kinh tế là thế mạnh, lợi thế của vùng. (5) Phát triển giáo dục và đào tạo cho phát triển bền vững Tây Nguyên trước hết phải đổi mới nhận thức và quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng là chính chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển giáo dục và đào tạo ở Tây Nguyên. (6) Để đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững Tây Nguyên, nguồn nhân lực của vùng phải được phát triển toàn diện từ nâng cao thể lực, cải thiện tầm vóc con người cho đến nâng cao trình độ học vấn, kĩ năng nghề nghiệp và chuyên môn kĩ thuật của nguồn nhân lực. Tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực dân tộc, nhất là các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên. Nhà nước cấn có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. (7) Nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo được thực hiện trên địa bàn Tây Nguyên, tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách đặc thù toàn diện và đủ mạnh để thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực Tây Nguyên.

Cùng với các kết quả nghiên cứu, tập thể tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị để góp phần giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, về phương pháp nghiên cứu cũng như cách tiếp cận. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm, chỉnh lại một số lỗi kỹ thuật, cân đối lại số trang giữa các chương, viết cô đọng hơn báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị cần nêu rõ đặc thù của vùng Tây Nguyên. Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính khả thi, góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên./.

Nguyễn Thu Hà

 

Các tin đã đưa ngày: