Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Đô thị hóa và quản lí quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Đô thị hóa và quản lí quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3

09/11/2015

Chiều ngày 31/10/2015, tại hội trường 3A, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKCNCNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Đô thị hóa và quản lí quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN3/X15. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh làm chủ nhiệm, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), là cơ quan chủ trì, thực hiện trong hai năm, từ 2013 đến 2015.

Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: GS.TS. Đỗ Hoài Nam (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là GS.TS. Lê Ngọc Hùng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và PGS.TS. Đoàn Minh Huấn (Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Viện Hàn lâm), PGS.TS. Khổng Diễn (Hội Dân tộc học và Nhân học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển (Học viện Hành chính Quốc gia). PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS. Bùi Sĩ Lợi (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội), PGS.TS. Nguyễn Văn Minh (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS. Phạm Minh Anh (Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có TS. Lê Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài và tập thể thành viên thực hiện Đề tài.

Thay mặt tập thể tác giả, PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh – Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày kết quả nghiên cứu tập trung vào làm rõ mục tiêu và nhấn mạnh một số nội dung nghiên cứu chính của đề tài. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã tập trung:

1. Xác định cơ sở lí luận và thực tiễn về đô thị hóa và quản lí quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

2. Nhận diện thực trạng quá trình phát triển đô thị và quản lí quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên trong 25 năm đổi mới.

3. Đánh giá thành công, hạn chế của quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên qua 25 năm đổi mới và các nguyên nhân.

4. Phân tích, đánh giá tác động của quá trình đô thị hóa đến phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

5. Đưa ra quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đô thị và quản lí quá trình đô thị hóa Tây Nguyên trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 6 chương. Chương 1: Đô thị hóa và quản lí quá trình đô thị hóa: một số vấn đề lí luận; Chương 2: Vài nét về đô thị hóa ở Việt Nam; Chương 3: Đô thị hóa vùng Tây Nguyên: số lượng, loại hình và quy mô đô thị; Chương 4: Đô thị hóa và phát triển vùng Tây Nguyên: biến đổi cơ cấu kinh tế, lao động và dân số; Chương 5: Đô thị hóa và phát triển vùng Tây Nguyên: những chiều cạnh giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường; Chương 6: Đô thị hóa, quản lí đô thị hóa vùng Tây Nguyên: cơ hội và thách thức.

        Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả cho rằng: (1) Đô thị hóa vùng Tây Nguyên diễn ra tương đối nhanh. Trong khoảng thời gian 25 đô thị hóa trong thời kì đất nước đổi mới, vùng Tây Nguyên đã có sự khởi sắc về đô thị hóa và phát triển đô thị.

(2) Trong phần tư thế kỉ, đô thị hóa vùng Tây Nguyên cũng có những giai đoạn thăng trầm. Quá trình đô thị hóa Tây Nguyên không chỉ tăng về tỉ lệ dân số đô thị mà còn phát triển thêm số lượng đô thị, nâng cấp đô thị từ thành phố loại II lên thành phố loại I.

(3) Có sự phát triển không đồng đều trong quá trình đô thị hóa Tây Nguyên, các thành phố loại I và thị xã tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

(4) Đô thị hóa vùng Tây Nguyên có một số đặc điểm: đi với công nghiệp, không đồng đều, thúc đẩy di cư đến Tây Nguyên, đi liền với mở rộng địa giới hành chính và nâng cấp đô thị, mang tính tự phát thiếu quy hoạch.

(5) Những yếu tố tác động đến quá trình phát triển và đô thị hóa vùng Tây Nguyên.

(6) Đô thị hóa vùng Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển Tây Nguyên.

(7) Đô thị hóa đã tác động đến những biến đổi về cơ cấu xã hội, như cơ cấu dân số, cơ cấu tộc người, cơ cấu lao động nghề nghiệp của vùng Tây Nguyên.

(8) Đô thị hóa đã có những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội vùng Tây Nguyên.

(9) Một vài vấn đề về xã hội trong quá trình đô thị hóa vùng Tây Nguyên: tội phạm về trật tự xã hội, ma túy, HIV…

(10) Dự báo đến năm 2030, vùng Tây Nguyên có 118 đô thị, tăng gần gấp 2 lần so với số lượng đô thị hiện có.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Hội đồng nghiệm thu kết luận Đề tài đã: (1) Cung cấp hệ thống luận cứ khoa học để tham khảo, hoạch định và thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị và các giải pháp kèm theo nhằm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

(2) Cung cấp hệ thống tư liệu có giá trị khoa học và thực tiễn; phát hiện những vấn đề mới về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên hiện nay. Qua đó góp phần bổ sung, phát triển lí luận về đô thị hóa và công tác quản lí quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên.

Đề tài được Hội đồng xếp loại khá. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính cụ thể, toàn diện, khả thi góp phần hoạch định và thực hiện quản lí quá trình đô thị hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên trong tương lai.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: