Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu khả năng ứng phó với thiên tai và đề xuất các giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên” (mã số TN3/X13)
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu khả năng ứng phó với thiên tai và đề xuất các giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên” (mã số TN3/X13)

23/06/2016

Sáng ngày 12 tháng 6 năm 2016, tại hội trường 3A, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKCNCNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng ứng phó với thiên tai và đề xuất các giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên” mã số TN3/X13. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Ngô Quang Sơn làm chủ nhiệm, Viện Dân tộc học, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, thực hiện trong hai năm, từ 2013 đến 2015.

 PGS.TS. Ngô Quang Sơn - Chủ nhiệm đề tài <br> trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Khổng Diễn (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam), Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Phạm Quang Hoan (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), GS.TS. Trương Quang Hải (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Văn Minh (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS. Vũ Kiên Trung (Trung tâm Phòng tránh thiên tai Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), TS. Tuyết Hoa Niê Kdăm (Đại học Tây Nguyên), TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có TS. Lê Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài và tập thể thành viên thực hiện Đề tài.

Thay mặt tập thể tác giả, PGS.TS. Ngô Quang Sơn – Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày kết quả nghiên cứu, tập trung làm rõ mục tiêu và nhấn mạnh một số nội dung nghiên cứu chính của Đề tài:

1) Nghiên cứu cơ sở lý luận liên quan, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai.

2) Nhận diện các loại thiên tai, diễn biến thiên tai và tác động của thiên tai đối với con người, kinh tế, xã hội và môi trường ở vùng dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên trong những năm qua.

3) Phân tích các khả năng và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng ứng phó phòng tránh rủi ro thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

        Toàn cảnh buổi nghiệm thu

4) Đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

5) Đề xuất một số mô hình điển hình về ứng phó phòng tránh rủi ro thiên tai cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Tổ chức triển khai thực hiện mô hình Thông tin, Giáo dục và Truyền thông dựa vào sự tham gia tích cực của cộng đồng nhằm dự báo, cảnh báo, phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu tác hại của thiên tai và phục hồi sau thiên tai cho cộng đồng các dân tộc Giẻ - Triêng tại Kon Tum và Cơ Ho tại Lâm Đồng.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về thiên tai và khả năng ứng phó với  thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên; Chương 2: Thiên tai và tác động của thiên tai đến cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên; Chương 3: Khả năng ứng phó với  thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên; Chương 4: Đề xuất hệ thống giải pháp và xây dựng mô hình nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã làm rõ một số vấn đề:

1) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra hiện nay, các thiên tai có diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh mẽ hơn và gây nên những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người dân mọi vùng miền trên cả nước.

2) Xác định các nguyên nhân và những tác động của các loại hình thiên tai đối với đời sống và mọi mặt hoạt động của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

3) Phân tích và làm rõ khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên; phân tích và làm rõ thực trạng các phương tiện kỹ thuật hiện có được sử dụng để ứng phó với thiên nhiên, để dự báo cảnh báo, phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại, phục hồi sau thiên tai.

4) Qua đó tập thể tác giả đề xuất hệ thống giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn, thể hiện ở:

(1) Cung cấp hệ thống luận cứ khoa học để tham khảo, hoạch định và thực hiện việc ứng phó với thiên tai, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

(2) Cung cấp hệ thống tư liệu có giá trị khoa học và thực tiễn; có những đóng góp  mới về các giải pháp tổng thể nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai của cộng đồng dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên

Đề tài được Hội đồng xếp loại khá ở mức cao. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài, 3 tài liệu truyền thông nhằm phổ biến miễn phí được thiết kế đa dạng, hấp dẫn (áp phích học tập – trò chơi, sách mỏng, tờ gấp) cùng các giải pháp đưa ra có tính cụ thể, toàn diện, khả thi góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong tương lai.

 

Nguyễn Thu Hà

 

Các tin đã đưa ngày: