HĐKHCNN gồm: GS.TS. Hoàng Văn Hoa (Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Trần Hữu Cường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và PGS.TS. Chu Tiến Quang (Hội đồng Chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); GS.TS. Đỗ Hoài Nam (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); TS. Phan Văn Hùng (Ủy ban Dân tộc); PGS.TS. Vũ Thị Minh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân); TS. Trần Thị Thu Thủy (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); TS. Bùi Sỹ Tuấn (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; Ban Chủ nhiệm đề tài và tập thể thành viên thực hiện đề tài.
TS. Lê Anh Vũ, Phó chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu đã trình bày những kết quả nghiên cứu chính của đề tài. Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ mục tiêu, các nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài tập trung:
1/ Làm rõ cơ sở lý thuyết về sự hình thành, phát triển, vai trò của kinh tế hộ và kinh tế trang trại, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm trong nước, rút ra bài học áp dụng cho Tây Nguyên.
2/ Làm rõ yêu cầu phát triển mới của Tây Nguyên và cách tiếp cận mới đối với phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại ở Tây Nguyên.
3/ Nhận diện, đánh giá đặc điểm, xu hướng phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại ở Tây Nguyên từ Đổi mới đến nay, phát hiện những hạn chế và nguyên nhân, những vấn đề đặt ra.
4/ Làm rõ vai trò, vị trí của kinh tế hộ, kinh tế trang trại trong phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững ở Tây Nguyên.
5/ Xây dựng hệ thống quan điểm định hướng và giải pháp phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững ở Tây Nguyên, giai đoạn 2015-2020.
Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 3 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; Chương 2: Thực trạng phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại vùng Tây Nguyên; Chương 3: Quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại gắn với giảm nghèo bền vững ở Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Từ kết quả nghiên cứu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, căn cứ vào đặc điểm và xu hướng phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại; các tác giả cho rằng cần phải có những chính sách để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại ở Tây Nguyên bền vững: (1) Nhà nước nên tạo cơ chế chính sách đất đai tích cực hơn, bảo vệ chắc chắn quyền sử dụng, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất đai trên cơ sở phát triển mạnh loại thị trường này; sắp xếp, giải thế các Công ty nông, lâm nghiệp nhà nước để giao quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân, trang trại trực tiếp canh tác sử dụng, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; (2) Xây dựng khung pháp lý thuận lợi giúp cho việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các chủ trang trại, chủ hộ nông dân với các chủ thể khác; (3) Thiết lập cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho kinh tế trang trại vùng Tây Nguyên mang tính đặc thù nhằm giúp các chủ trang trại, chủ hộ nông dân có thể tiếp cận tín dụng ưu đãi từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng như tiếp cận vay ngoại tệ trong các khâu giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ với các đối tác nước ngoài; (4) Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại của vùng Tây Nguyên với tầm nhìn dài hạn và gắn với chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu; (5) Nâng cao năng lực quản lý cho các chủ trang trại trên địa bàn vùng Tây Nguyên; (6) Cần thiết lập các dịch vụ logistics một cách hiệu quả nhằm giúp các chủ trang trại tăng cường năng lực cạnh tranh về nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu, rộng; (7) Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân và trang trại; (8) Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp tác với các thể chế tài chính (nhất là các tổ chức tín dụng) và các cấp quản lý địa phương cùng với các chủ trang trại để chủ động chuyển đổi cơ cấu trang trại trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng đặt trọng tâm vào “chuyên môn hóa” theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; (9) Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, tạo động lực cho phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Hội đồng nghiệm thu khẳng định Đề tài đã: (1) Làm sáng tỏ và quan trọng hơn là đóng góp mới cho sự phát triển lý thuyết, hệ thống hóa cơ sở lý luận về kinh tế hộ và kinh tế trang trại, lý thuyết phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại gắn với xóa đói giảm nghèo; (2) Xác định rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại vùng Tây Nguyên; (3) Đề xuất các giải pháp tổng thể, cụ thể cho sự phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và những kiến nghị cho việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm, chỉnh lại một số lỗi kỹ thuật, hoàn thiện báo cáo kiến nghị. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính khả thi, góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên.
Nguyễn Thu Trang