Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của một số định chế xã hội phi chính thức đối với sự phát triển bền vững Tây Nguyên” (mã số TN3/X21)
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Vai trò của một số định chế xã hội phi chính thức đối với sự phát triển bền vững Tây Nguyên” (mã số TN3/X21)

02/07/2016

Chiều ngày 27 tháng 6 năm 2016, tại hội trường 3E, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKCNCNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Vai trò của một số định chế xã hội phi chính thức đối với sự phát triển bền vững Tây Nguyên” mã số TN3/X21. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ nhiệm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là cơ quan chủ trì, thực hiện trong hai năm, từ 2013 đến 2015.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Đề tài <br> trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Trần Đức Cường (Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.02/11-15), Phó Chủ tịch Hội đồng; Hai ủy viên phản biện là PGS.TS. Mai Quỳnh Nam (Ban Chủ nhiệm Chương trình KX.03/11-15), TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên). Các thành viên hội đồng là GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển (Trường Đại học Thành Tây), PGS.TS. Nguyễn Văn Minh (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), GS.TS. Ngô Văn Lệ (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), PGS.TS. Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), TS. Tuyết Hoa Niê Kdăm (Đại học Tây Nguyên). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có TS. Lê Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 và một số nhà khoa học đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài và tập thể thành viên thực hiện Đề tài.

Thay mặt tập thể tác giả, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày kết quả nghiên cứu, tập trung làm rõ mục tiêu và nhấn mạnh một số nội dung nghiên cứu chính của Đề tài:

- Phát hiện ra những đặc điểm của một số định chế xã hội phi chính  thức ở vùng Tây Nguyên nhằm nhận diện các vai trò xã hội, các chức năng xã hội, cũng như các tác động xã hội của những định chế này đối với quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững.

- Xây dựng khung khổ lý thuyết để khảo sát và phân tích vai trò và tác động của một số định chế xã hội phi chính thức đối với quá trình phát triển bền vững vùng đất này.

- Nhận diện, phân tích những đặc trưng, cách thức vận hành và sự biến đổi của một số định chế xã hội phi chính thức đặc thù ở Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay.

- Khảo sát, phân tích vai trò, tác động của một số định chế xã hội phi chính thức đặc thù Tây Nguyên trong giai đoạn vừa qua, nhận diện những tác động tích cực, tiêu cực để đề xuất và kiến nghị những hướng giải quyết để phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững trong giai đoạn đến năm 2030.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Tổng quan và lý thuyết tiếp cận; Chương 2: Buôn làng và của một số định chế chính trị phi chính thức của buôn làng; Chương 3: Đời sống kinh tế và vai trò của các định chế kinh tế phi chính thức; Chương 4: Hôn nhân, gia đình và vai trò của các định chế phi chính thức; Chương 5: Tín ngưỡng, tôn giáo và vai trò của các định chế phi chính thức;  Chương 6: Vai trò của các định chế phi chính thức trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; Chương 7: Quan điểm định hướng và giải pháp phát huy vai trò của một số định chế phi chính thức.

     

Toàn cảnh buổi Nghiệm thu

Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã làm rõ một số vấn đề: (1) Nhận diện sự tồn tại và sự biến đổi của các định chế phi chính thức cổ truyền. Trong bối cảnh diễn ra tiến trình biến đổi về hình thái kinh tế - xã hội, hiện trạng sắc thái của các định chế xã hội phi chính thức cổ truyền nơi các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên hoàn toàn không còn thuần túy như xưa nữa có nhiều nét đã bị giải thể, và đồng thời cũng có nhiều nét tuy chưa biến mất nhưng đã biến dạng khá nhiều;

(2) Đặc trưng của sự biến đổi trong các định chế phi chính thức cổ truyền thường diễn ra chủ yếu ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình cá thể, mặt khác, do phụ thuộc vào những hoàn cảnh hay tình huống cụ thể và ngẫu nhiên, nên thông thường sự biến đổi trong lĩnh vực này không xảy ra vào cùng một thời điểm, một cách tập trung, mà thường diễn ra một cách phân tán, lẻ tẻ, mang tính tự phát và tiệm tiến;

(3) Những nguồn gốc của những sự biến đổi phần lớn là những yếu tố ngoại sinh, do những tác động khác nhau từ bên ngoài vào cấu trúc và đời sống cộng đồng;

(4) Sự tương tác giữa các định chế phi chính thức cổ truyền với các định chế chính thức đương đại đó là những tương tác rời rạc, cộng hưởng, cạnh tranh, loài trừ nhau;

(5) Vai trò của các định chế phi chính thức trong sự phát triển bền vững, là những nhân tố quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của các tộc người này nói riêng cũng như của cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn, thể hiện ở:

1) Giải quyết được nhiều vấn đề về định chế xã hội phi chính thức, các định chế này không cản trở và đi ngược lại sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, đã giải quyết được những xung đột xã hội ở ngay cộng đồng để gắn kết xã hội.

2) Các định chế xã hội phi chính thức không mất đi mà chỉ biến đổi, thích nghi và mang sức sống mới trong bối cảnh của Tây nguyên hiện nay.

Đề tài được Hội đồng xếp loại xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài, cùng các giải pháp đưa ra có tính cụ thể, toàn diện, khả thi góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong tương lai.

 

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: