So sánh chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của một số nước trên thế giới – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc
  • 3.1 top logo - tin tuc hoat dong khoa hoc

So sánh chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của một số nước trên thế giới – thuộc đề tài cấp Bộ, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

25/12/2020

Chiều ngày 24/12/2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “So sánh chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của một số nước trên thế giới” do TS. Trịnh Thị Hà và TS. Nguyễn Thế Dương đồng chủ nhiệm, Viện Ngôn ngữ học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài phát biểu TS. Trịnh Thị Hà trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu và toàn diện với nền kinh tế toàn cầu thì việc đổi mới chính sách và chương trình giáo dục trở thành nhu cầu cấp thiết. Nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam đã hoàn thiện và đang trong giai đoạn triển khai biên soạn sách giáo khoa thì việc nghiên cứu so sánh với chương trình giáo dục ngôn ngữ của một số nước có nền giáo dục tốt trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm là một việc làm có ý nghĩa quan trọng cả về lí luận và thực tiễn.

Vấn đề so sánh chương trình dạy tiếng mẹ đẻ của các quốc gia trên thế giới là một nội dung được quan tâm lớn trong ngôn ngữ học ứng dụng nói chung và giáo dục ngôn ngữ nói riêng. Đây là một vấn đề nghiên cứu có truyền thống từ lâu đời. Thực tế cho thấy đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu về việc xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhưng vì đây là một vấn đề lớn, gồm nhiều mảng khác nhau nên các nghiên cứu còn mang tính rời rạc, thiếu tính bao quát. Đề tài nghiên cứu này đã bổ sung thêm một khía cạnh mới mà các nghiên cứu chưa đề cập tới với mong muốn tổng kết một số kinh nghiệm cần thiết cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện và phản biện khung chương trình đồng thời có thể là một kênh thông tin cho các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học tham khảo.

Trước những vấn đề nêu trên, đề tài “So sánh chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của một số nước trên thế giới” được thực hiện. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở năm chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận của việc xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ.

Đề tài đã điểm lại các công trình nghiên cứu về việc xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam đồng thời điểm lại lịch sử xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn của Việt Nam. Vấn đề nghiên cứu của đề tài đã bổ sung thêm một khía cạnh mới mà các nghiên cứu chưa đề cập tới với mong muốn tổng kết một số kinh nghiệm cần thiết cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện và phản biện khung chương trình, góp phần đắc lực trong việc biên soạn sách giáo khoa môn Tiếng Việt cấp tiểu học.

Những vấn đề về cơ sở lí luận của việc xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ như cơ sở triết lí và pháp lí giáo dục với những triết lí về giáo dục nhân văn, giáo dục năng lực hay là luật giáo dục cũng như các quan điểm xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ, các mô hình giáo dục tiếng mẹ đẻ phổ biến như mô hình di sản, mô hình quá trình (còn gọi là mô hình lấy học sinh làm trung tâm), mô hình năng lực,... đã phản ánh được nhiều thay đổi diễn ra trong vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ. Những vấn đề lí luận này là tiền đề để đề tài tập trung đi sâu nghiên cứu Chương trình tiếng Việt tiểu học thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ giáo dục và Đào tạo công bố với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ ở Anh và Úc.

Chương 2: So sánh mục tiêu, yêu cầu giáo dục được áp dụng trong chương trình tiếng Việt tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp tiểu học tại Anh và Úc.

Chương 2 tập trung vào việc so sánh, phân tích mục tiêu, yêu cầu giáo dục được áp dụng trong chương trình tiếng Việt tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp tiểu học tại Anh và Úc. Từ sự phân tích và so sánh mục tiêu và yêu cầu giáo dục của môn tiếng mẹ đẻ trong chương trình tiểu học của Việt Nam và chương trình tiểu học của Anh và Úc, nhóm thực hiện đề tài đã chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa mục tiêu và yêu cầu trong chương trình giảng dạy của Việt Nam và chương trình của Anh cũng như của Úc, đồng thời gợi mở ra những bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chương trình của mình. Đó là bài học về việc vận dụng các nguồn tài liệu đa dạng và cập nhật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình dạy và học tiếng mẹ đẻ ở trường tiểu học. Đó là bài học về sự linh hoạt trong việc thực hiện các mục tiêu và yêu cầu giáo dục tùy theo bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia và mỗi ngôn ngữ. Đó là bài học về việc làm rõ những yêu cầu giáo dục cụ thể cho từng kỹ năng của môn học. Đó là bài học về xây dựng những yêu cầu và mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, giúp các em có được hành trang tri thức và kĩ năng cần thiết cho cuộc sống sau này. Đó cũng là bài học về việc nhìn nhận học sinh như những chủ thể tích cực, sáng tạo và độc lập trong quá trình học ngôn ngữ thứ nhất.

Chương 3: So sánh ngữ liệu, nội dung giáo dục được áp dụng trong chương trình tiếng Việt tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp tiểu học.

Chương này đã tiến hành so sánh ngữ liệu và nội dung giáo dục trong chương trình tiếng Việt cấp tiểu học của Việt Nam và chương trình tiếng Anh tại Anh Quốc và Úc. Có thể thấy rằng, ngữ liệu và nội dung chương trình tiểu học ở mỗi nước đều gắn liền với những đặc điểm cụ thể về văn hóa – xã hội, chính trị và ngôn ngữ của quốc gia đó. Điểm tương đồng về ngữ liệu và nội dung của chương trình này là đều được thiết kế theo hướng mở, hướng đến xây dựng năng lực cho học sinh, chứ không dựa trên kiến thức nữa. Tuy nhiên, độ mở về việc sử dụng ngữ liệu là khác nhau trong từng chương trình. Trong khi chương trình tiếng Việt tiểu học ở Việt Nam đã có một bước tiến lớn khi đã thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách" thì tại Úc và Anh, người ta đã không tổ chức biên soạn các bộ sách giáo khoa chuẩn mà thay vào đó là một hệ thống tài liệu, sách tham khảo rất công phu và khoa học cho học sinh. Đây cũng là một bài học mà Việt Nam có thể tham khảo thêm. Về nội dung giáo dục, với việc định hướng phát triển năng lực cho học sinh, các kiến thức được nêu ra trong chương trình tiểu học của Việt Nam là phù hợp với định hướng này. Nếu có những khác biệt trong các nội dung giáo dục của Anh và Úc đáng để tham khảo thì đó là vấn đề giảm tải các nội dung kiến thức mang nặng tính hàn lâm, kinh viện và đưa vào nhiều hơn những nội dung giúp cho học sinh có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo và hiệu quả trong học tập cũng như công tác sau này.

Chương 4: So sánh phương pháp, việc đánh giá kết quả giáo dục được áp dụng trong chương trình tiếng Việt tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp tiểu học tại Anh và Úc.

Chương 4 tập trung vào việc so sánh phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục của môn tiếng mẹ đẻ trong chương trình tiểu học của Việt Nam và chương trình tiểu học của Anh và Úc. Thông qua việc phân tích so sánh đối chiếu, những tương đồng và khác biệt giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam và chương trình của Anh cũng như của Úc đã được chỉ ra. Các mô hình phương pháp giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như các kĩ thuật giảng dạy đang được áp dụng tại Anh và Úc là những tham khảo đáng lưu ý cho Việt Nam khi bắt đầu triển khai chương trình tiếng Việt mới. Về mặt đánh giá kết quả giáo dục, bài học về giảm thiểu áp lực về điểm số mà vẫn giúp phản ánh chính xác kết quả học tập của học sinh cũng như bài học về việc đánh giá một cách cân bằng giữa các kĩ năng chính của môn tiếng mẹ đẻ là những điểm cần lưu ý sau khi so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam và hai quốc gia Anh và Úc.       

Chương 5: Thái độ của các bên có liên quan đối với chương trình tiếng Việt tiểu học.

Việc khảo sát thái độ của ba đối tượng khác nhau gồm các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các chuyên gia xây dựng chương trình và các giáo viên tiểu học ở các vùng miền khác nhau đối với chương trình tiếng Việt tiểu học đã giúp có được một cái nhìn tổng thể và đa chiều về chương trình này. Nó cũng giúp làm sáng tỏ và cụ thể hóa các nội dung và đường hướng cơ bản của chương trình. Đồng thời, nó cũng giúp soi sáng thêm các bình diện được so sánh của các chương trình tiếng mẹ đẻ của Việt Nam, Anh và Úc trong bối cảnh cụ thể của chương trình tiểu học tại Việt Nam. Điều đáng chú ý là chương trình tiếng Việt tiểu học nhận được sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận khá lớn từ phía đội ngũ giáo viên. Khảo sát của đề tài cho thấy rằng nhìn chung, họ nắm rõ, ủng hộ và tin tưởng vào Chương trình, phù hợp với yêu cầu và kì vọng của các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia xây dựng chương trình. Đây là một tiền đề quan trọng cho việc Chương trình được triển khai một cách suôn sẻ, thuận lợi. Mặt khác, những ý kiến của giáo viên về vấn đề thiết kế sách giáo khoa, yêu cầu giáo dục cho từng vùng miền, phương thức thi cử, kiểm tra cũng như nội dung cụ thể của chương trình là những gợi ý tốt dành cho các nhà hoạch định chính sách lẫn các chuyên gia giáo dục trong quá trình hoàn thiện và triển khai Chương trình.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Đề tài đã tổng kết được một số lí thuyết về việc xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ như cơ sở triết lí và pháp lí giáo dục với những triết lí về giáo dục nhân văn, giáo dục năng lực hay là luật giáo dục cũng như các quan điểm xây dựng chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ, các mô hình giáo dục tiếng mẹ đẻ phổ biến như mô hình di sản, mô hình quá trình (còn gọi là mô hình lấy học sinh làm trung tâm), mô hình năng lực,... đã phản ánh được nhiều thay đổi diễn ra trong vấn đề giáo dục tiếng mẹ đẻ.

Từ việc phân tích và so sánh mục tiêu, yêu cầu giáo dục của môn tiếng mẹ đẻ trong chương trình tiểu học của Việt Nam và chương trình tiểu học của Anh, Úc, đề tài đã chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa mục tiêu và yêu cầu trong chương trình giảng dạy của Việt Nam và chương trình của Anh cũng như của Úc, từ đó gợi mở ra những bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chương trình của mình.

Tiến hành so sánh ngữ liệu và nội dung giáo dục trong chương trình tiếng Việt cấp tiểu học của Việt Nam và chương trình tiếng Anh tại Anh Quốc và Úc. Thông qua việc phân tích so sánh phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục của môn tiếng mẹ đẻ trong chương trình tiểu học của Việt Nam và chương trình tiểu học của Anh và Úc, những tương đồng và khác biệt giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam và chương trình của Anh cũng như của Úc đã được chỉ ra. Có thể thấy, các mô hình phương pháp giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như các kĩ thuật giảng dạy đang được áp dụng tại Anh và Úc là những tham khảo đáng lưu ý cho Việt Nam khi bắt đầu triển khai chương trình tiếng Việt mới.

Việc khảo sát thái độ của ba đối tượng khác nhau gồm các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các chuyên gia xây dựng chương trình và các giáo viên tiểu học ở các vùng miền khác nhau đối với chương trình tiếng Việt tiểu học đã giúp có được một cái nhìn tổng thể và đa chiều về chương trình này. Nó cũng giúp làm sáng tỏ và cụ thể hóa các nội dung và đường hướng cơ bản của chương trình. Đồng thời, nó cũng giúp soi sáng thêm các bình diện được so sánh của các chương trình tiếng mẹ đẻ của Việt Nam, Anh và Úc trong bối cảnh cụ thể của chương trình tiểu học tại Việt Nam.

Kết quả đề tài đạt được mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu và chỉ giới hạn trong việc so sánh Chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của hai quốc gia Anh và Úc. Từ đó, đề tài hướng đến việc tổng kết một số kinh nghiệm cần thiết cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung chương trình đồng thời cũng là kênh thông tin cho các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học tham khảo.

Đề tài So sánh chương trình tiếng Việt tiểu học (thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của một số nước trên thế giới được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.

PV.

 

Các tin đã đưa ngày: