THÔNG BÁO HỘI THẢO
Trong di sản lí luận của C. Mác tư tưởng công bằng phân phối đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Trong quan niệm của Mác, quan hệ phân phối không chỉ giới hạn trong phân phối sản phẩm lao động mà còn liên quan đến phân phối tư liệu sản xuất. Chính sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguyên nhân dẫn đến bóc lột lao động, bất công bằng và bất bình đẳng trầm trọng trong xã hội tư bản. Nguyên tắc phân phối công bằng, theo Mác, chỉ có thể được thực thi một cách triệt để khi quan hệ sản xuất tư bản được thay thế, khi sở hữu tư nhân bị loại trừ. Mác cũng chỉ ra rằng mục đích của chủ nghĩa cộng sản là xã hội hóa và nhân văn hóa quá trình sản xuất và phân phối, thông qua việc cải tạo những quan hệ sản xuất TBCN, xác lập quan hệ sản xuất CSCN. Mục đích của nguyên tắc phân phối cộng sản chủ nghĩa là loại trừ bóc lột và bất bình đẳng kinh tế, tạo điều kiện để tất cả mọi người đều được phát triển và hưởng thụ thành quả của sự phát triển.
Tuy nhiên Mác cũng nhận thấy rằng quá trình thực hiện nguyên tắc này phải có lộ trình và được thực hiện một cách từng bước, dần dần và lâu dài. Trong giai đoạn đầu (CNXH) của thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS, khi mà sản xuất chưa phát triển đến mức đủ sức thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi thành viên trong xã hội cũng như những quan hệ sản xuất TBCN chưa được xóa bỏ hoàn toàn ngay lập tức nên quy luật giá trị vẫn điều tiết lao động và chi phối phân phối sản phẩm lao động xã hội. Vì vậy ở giai đoạn này nguyên tắc phân phối chủ yếu là phân phối theo lao động hay đóng góp (Làm theo năng lực, hưởng theo lao động). Mặc dù nguyên tắc phân phối theo lao động tạo ra động lực kích thích mạnh mẽ sự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân nhưng vẫn chưa thực sự công bằng vì chưa thể loại trừ hoàn toàn bất bình đẳng xã hội bởi do có sự chênh lệch về cơ hội và quy trình giữa các thành viên trong xã hội. Sự bất bình đẳng sẽ được xóa bỏ khi lực lượng sản xuất phát triển cao trong giai đoạn sau đủ sức thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Việc phân phối thu nhập xã hội theo lao động ở giai đoạn CNXH bị thay thế bằng nguyên tắc phân phối mới ở giai đoạn CNCS: nguyên tắc phân phối theo nhu cầu (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu).
Tư tưởng của Mác về thực hiện nguyên tắc phân phối công bằng không chỉ có giá trị trong việc phê phán quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn có giá trị trong quá trình cải tạo quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, hướng tới xây dựng một xã hội tự do, công bằng. Suy ngẫm về thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng như kinh tế thị trường xã hội của Đức hay các thể chế kinh tế khác cũng là dịp để chúng ta phân tích, khẳng định các giá trị lịch sử và hiện thời của tư tưởng C.Mác về công bằng phân phối.
Nhân tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh C. Mác, Hội thảo khoa học quốc tế“Tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối và ý nghĩa hiện thời của nó” (Marx 200: Karl Marx’s thought on distributive justice and its current relevance) mong muốn tạo ra một diễn đàn mở để các nhà khoa học cùng thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ nội dung và ý nghĩa của nguyên tắc công bằng phân phối trong tư tưởng của C.Mác từ phương diện lý luận và thực tiễn.
Hội thảo tập trung vào một số nhóm vấn đề như sau:
1. Tư tưởng của C.Mác về công bằng phân phối
- Những vấn đề lý luận về công bằng phân phối trong tư tưởng của C.Mác
- Đánh giá tầm quan trọng và ý nghĩa của tư tưởng về công bằng phân phối của C.Mác trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực tiễn việc thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam từ đổi mới đến nay
- Những thành quả của việc thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam hiện nay
- Thuận lợi, khó khăn và những hạn chế trong việc thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam
- Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam từ đổi mới đến nay.
3. Kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện công bằng phân phối
4. Quan điểm, định hướng, giải pháp để thực hiện công bằng phân phối ở Việt Nam trong giai đoạn tới
- Quan điểm, định hướng, giải pháp trong việc thực hiện các vấn đề công bằng phân phối.
- Những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính phủ Việt Nam về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công bằng phân phối trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030.
Hình thức tổ chức:
1. Ngoài 2 phiên khai mạc và bế mạc, Hội thảo sẽ tiến hành phiên toàn thể, các phiên thảo luận theo chủ đề và có 1 – 2 phiên tổ chức theo hình thức World Café.
2. Một số báo cáo khoa học tiêu biểu trong từng nhóm chủ đề được trình bày tại phiên toàn thể. Các báo cáo còn lại sẽ được trình bày và trao đổi tại các phiên thảo luận.
3. Sau khi kết thúc Hội thảo, các báo cáo sẽ được thẩm định và chọn biên tập để đăng tải trên Tạp chí Triết học (tiếng Việt và tiếng Anh), một số Tạp chí khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cũng như xuất bản thành kỷ yếu hội thảo quốc tế.
Thời gian: 17-18/5/2017
Địa điểm: Tp. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Đơn vị tổ chức: Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Đơn vị phối hợp: - Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), Văn phòng Việt Nam
- Viện Rosa-Luxemburg-Stiftung (RLS), Văn phòng Đông Á Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam