TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết: Khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ V, tầng văn hóa phát triển liên tục từ văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Đông Sơn; Khai quật địa điểm Nghĩa Lập (Phú Thọ) lần thứ III xác định rõ di tích cư trú – mộ táng văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật địa điểm Gò Non Sấu niên đại văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật lần thứ II di chỉ Văn Tứ Đông, đã phân định được tầng văn hóa có sự diễn biến sớm muộn một cách khá rõ ràng, niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên đến khoảng 100 năm sau Công nguyên; Khai quật di chỉ Hòa Do 5A; Khai quật lần thứ IV di tích Hòa Diệm, bước đầu xác định các mối quan hệ di tích Hòa Diêm với Xóm Cồn, Sa Huỳnh, nhóm di tích mộ chum Đông Nam Bộ, với khu vực Đông Nam Á Hải đảo, Đông Nam Á lục địa và với văn hóa Hán (Nam Trung Quốc); Khai quật Thành Ngoại thuộc khu Di tích Cổ Loa, đã xác định rõ giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương và các lần đắp thêm ở các thời kỳ muộn hơn; Thám sát khu mộ tiền Đông Sơn ở Thượng Ấm; phát hiện về 2 mộ thuyền ở Khoái Châu (Hưng Yên) và ở hang Ta Ngoài (Thái Nguyên); phát hiện 2 thuyền cổ ở đáy sông Đuống và mũi thuyền độc mộc ở Long Toàn (Bà Rịa – Vũng Tàu)...
Bên cạnh đó cũng có 20 thông báo phát hiện mới về di tích, di vật ở Lai Châu, Yên Bái, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Bình...
Trống đồng là đề tài hấp dẫn ở Tiểu ban này, đã có 20 phát hiện và nghiên cứu về trống. Thanh Hóa là địa phương phát hiện được nhiều trống nhất, đáng chú ý là phát hiện trống loại I chôn trong lòng đất ở Vĩnh Trại (Bình Định), có chôn theo những mảnh gốm kiểu Sa Huỳnh. Những vấn đề về phân loại trống, xuất xứ và độ tin cậy của các phát hiện đã được thảo luận sôi nổi ở Tiểu ban.
Nguyễn Thu Hà