Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề Tọa đàm trong việc tham vấn và đề xuất các hàm ý chính sách đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng và hy vọng, với sự tham gia của nhiều học giả - những người đã và đang có các nghiên cứu trực tiếp liên quan đến hai quốc gia Mỹ -Trung, các vấn đề xoay quan mối quan hệ và triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia này sẽ được làm rõ dưới các chiều cạnh tiếp cận và góc độ khoa học đáng quan tâm.
Tọa đàm đã được nghe các tham luận luận bàn về Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung; Quan hệ Trung Quốc – Mỹ; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế thế giới và Việt Nam.
Nhận diện về những vấn đề đặt ra trong quan hệ Mỹ - Trung và hàm ý chính sách cho Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Vấn đề áp thuế nhập khẩu và một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm từ 1% đến 3% trong vài năm tới. Cuộc chiến này cũng sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của nhiều nước. Thuế tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm Trung Quốc lên cao hơn, khiến doanh số bán các mặt hàng này tại Mỹ, một trong những thị trường lớn trên thế giới, trở nên sa sút, từ đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước mới nổi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có các nước ASEAN (bao gồm cả Việt Nam).
Số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc và Mỹ chiếm hơn 1/3 (33,95%) tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Điều đó đã chỉ ra, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này tất yếu tác động đến thương mại nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, bao gồm cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới phải thật linh động để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến mới trong cuộc chiến tranh này nói riêng và những thay đổi trong tình hình quốc tế nói chung nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế vĩ mô trước các cú số bên ngoài cũng như thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong chuỗi các giá trị toàn cầu…
|
|
Tiếp tục tham vấn về nội dung này, PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cũng cho rằng, mục tiêu của Mỹ hướng tới khắc phục sự mất cân bằng thương mại, khôi phục ngành công nghiệp chế tạo, ngăn chặn sự cạnh tranh của Trung Quốc tại một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Mỹ cũng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc cả về mặt kinh tế và quân sự, Đồng thời, hướng tới một thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ trong việc tiếp cận thị trường và giảm áp lực cạnh tranh. Để làm được điều này, biện pháp của Mỹ là áp dụng thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc; ngăn chặn xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Trung Quốc (cụ thể là nhằm vào một số công ty hàng đầu của Trung Quốc như Huawei) và ngăn chặn khả năng tiếp cận công nghệ cao của các doanh nghiệp Trung Quốc…
Đánh giá ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Thế giới và Việt Nam, TS. Nguyễn Bình Giang (Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) cho rằng cuộc chiến này có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu (giảm xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống còn 2,1% (2019) trong khi năm 2018 đạt 3,9% và năm 2017 đạt 5,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua; Tranh chấp thương mại song phương bùng nổ là tiền đề cho sự thay đổi luật lệ thương mại toàn cầu); Ảnh hưởng đến tài chính toàn cầu (CNY mất giá, USD lên giá, một loạt đồng tiền khác mất giá do nhiều nhân tố trong đó có thương mại và chính sách tiền tệ ứng phó, hiện tượng đào thoát vốn quốc tế; thị trường chứng khoán biến động mạnh; nguy cơ chiến tranh tiền tệ có khả năng xảy ra); Ảnh hưởng đến đầu tư toàn cầu (FDI toàn cầu giảm); Ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu (Mỹ, Trung và Eurozone là tam mã lôi kéo tăng trưởng toàn cầu song cả ba đều giảm tăng trưởng, phần lớn các nước tiên tiến và đang phát triển đều suy giảm); Ảnh hưởng đến Việt Nam theo hai hướng vừa tích cực vừa tiêu cực (Việt Nam có thể trở thành thị trường nhập khẩu cho hàng xuất Mỹ của Trung Quốc không xuất được; Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ không bán được cho Trung Quốc với giá giảm; Việt Nam có cơ hội tốt hơn về FDI khi các công ty nước ngoài thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1)…
|
Theo TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là nhân tố giúp chúng ta làm rõ được quan điểm chiến lược của Mỹ về Trung Quốc bao gồm: chiến lược an ninh quốc gia (NSS), Chiến lược Quốc phòng (NDS), Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA); Làm rõ quan điểm của Trung Quốc về Mỹ có liên quan đến: quan hệ nước lớn kiểu mới, vị trí cường quốc khu vực, giấc mộng Trung Hoa…
Có thể thấy, với các vấn đề được đề cập, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận sâu được rất nhiều nội dung có liên quan đến chủ đề Tọa đàm. Vui mừng trước kết quả đạt được, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã đánh giá cao các tham luận và cho rằng các trao đổi đã góp phần bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận cho các đề xuất mang hàm ý chính sách, góp phần thiết thực vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới./.
Phạm Vĩnh Hà