|
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Viên Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí; TS. Lê Minh Anh, Phó Tổng biên tập Tạp chí; đai diện Lãnh đao Văn phòng và các ban chức năng; Đ/c Nguyễn Thảo Minh, đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Lãnh đạo các Tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm cùng sự tham dự của các diễn giả: TS. Nguyễn Thị Luyện, Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội; PGS.TS. Phạm Văn Dương, Viện Nghiên cứu Văn hóa; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài lê, Viện Nghiên cứu Con người; TS. Trịnh Thị Hằng, Tạp chí Triết học; TS. Nguyễn Thị Quế Hương, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Vũ Thị Sao Chi, Tạp chí KHXH Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Trung tâm Ứng dụng CNTT; PGS.TS. Vương Thị Hường, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm; TS. Nguyễn Đình Đáp, Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Tạp chí KHXH Việt Nam.
|
Nhân dịp buổi Gặp mặt Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến với các Nhà báo, các Biên tập viên, viên chức và người lao động của các Tạp chí khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm và thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành. Đồng thời Phó Chủ tịch nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) nhằm tôn vinh, tri ân nghề báo và những người làm tạp chí trong Viện Hàn lâm.
|
Phó Chủ tịch cho biết, trong những năm qua, mạng lưới các Tạp chú của Viện Hàn lâm đã được quy hoạch, sắp xếp lại theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; các Tạp chí cơ bản hoàn thành việc cấp đổi giấy phép tạp chí in mới, một số tạp chí đã hoàn thành đề án tạp chí điện tử và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép; các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm và các Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm đều hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, xuất bản đúng kỳ hạn. Phó Chủ tịch đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các tạp chí, theo đó chất lượng các bài viết đăng tải ngày càng được nâng cao; một số tạp chí đã được cấp chỉ số DOI (*), tham gia hệ thống tạp chí trực tuyến VJOL của Bộ Khoa học và Công nghệ; các tạp chí đều được Hội đồng giáo sư Nhà nước đưa vào Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm, một số tạp chí được tính điểm cao nhất của một số ngành và liên ngành…
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh đề nghị các Tạp chí tập trung vào một số nội dung chính:
Thứ nhất, tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, thế mạnh của Tạp chí trong xã hội và Viện Hàn lâm; những thời cơ và thách thức trong giai đoạn phát triển mới để tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; nắm bắt cơ hội; mạnh dạn đổi mới để phát triển năng động hơn; phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể để tạo sức mạnh chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Thứ hai, cần nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra, chú trọng nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành; tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng các bài công bố, chú trọng đặt hàng các bài góp phần giải quyết các vấn đề mới, khó của thực tiễn đặt ra; gắn kết chặt chẽ công tác Tạp chí với công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách; kịp thời công bố kết quả nghiên cứu, qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung, đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Thứ tư, sớm xây dựng và phát triển tạp chí điện tử, chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của tạp chí.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ nghiên cứu, biên tập viên của Tạp chí có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt.
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật hành chính; chấp hành nghiêm các quy định, nội quy, quy chế làm việc của Viện Hàn lâm và của đơn vị; phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm cần xây dựng kế hoạch hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam gắn với những sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phát động.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Tổng biên tập Tạp chí KHXHVN giới thiệu khái quát chức năng Tạp chí KHXH VN và khẳng định vị trí quan trọng của Tạp chí KHXH VN trong hoạt động thực tiễn KHXH nói chung cũng như góp phẩn mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi đã chỉ ra những hạn chế và khó khăn đối với việc phát triển các tạp chí khoa học trong Viện Hàn lâm gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế và cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn ở tầm cao hơn với những quyết tâm và chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể của các nhà khoa học, những người làm báo, lãnh đạo, biên tập viên công tác tại các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm, hội thảo đã nhận được 10 báo cáo trình bày, tập trung thảo luận các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, phân tích thực trạng, những khó khăn và nguyên nhân khó khăn của việc chuyển đổi số các tạp chí trong Viện Hàn lâm; cơ hội và thách thức đối với các Tạp chí trong quá trình chuyển đổi số; kinh nghiệm để một tạp chí trở thành một tạp chí chuyển đổi số thành công;
Thứ hai, kinh nghiệm các tạp chí trong Viện Hàn lâm với việc nâng cao chất lượng và gia nhập cơ sở dữ liệu quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; chiến lược liên kết xuất bản trong nước và quốc tế để xây dựng một tạp chí đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là chiến lược phù hợp để liên kết xuất bản tạp chí khoa học quốc tế…
Thứ ba, kinh nghiệm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng nhằm đẩy mạnh số hóa, nâng cao chất lượng và gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín đối với các Tạp chí khoa học trong Viện Hàn lâm; Kiện toàn và đảm bảo tính đa dạng của Hội đồng biên tập và tác giả; kinh nghiệm nâng cao chất lượng bài đăng cho các tạp chí khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
|
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. Các ý kiến tập trung khẳng định tính cấp thiết của chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế của các tạp chí khoa học trong Viện Hàn lâm. Đây chính là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự phát triển của Viện Hàn lâm ngang tầm khu vực và thế giới. Bên cạnh đó các đại biểu cũng khẳng định mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa Chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Do đó, các tạp chí khoa học trong Viện Hàn lâm cần tiếp tục cải cách nhiều mặt và cần có quyết tâm thực hiện cao hơn nữa.
Hội thảo là dịp để các nhà báo, biên tập viên cùng nhau nhìn lại những thành tựu của các tạp chí trong thời gian qua. Đồng thời cùng trao đổi, thảo luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí, có những đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Viện Hàn lâm và đất nước trong các giai đoạn tiếp theo.
(*) (Digital Object Identifier) mã số xác định sự tồn tại vĩnh viễn cho một tập tin trên Internet, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế ISO.
Nguyễn Thu Trang