Hội thảo quốc tế “Cơ sở dữ liệu kho Trung Quốc cổ: tiềm năng khai thác giá trị khoa học”
  • 3.6 top logo - hoat dong thong tin thu vien tap chi

Hội thảo quốc tế “Cơ sở dữ liệu kho Trung Quốc cổ: tiềm năng khai thác giá trị khoa học”

26/10/2023

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường 606, số 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (ISSI) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm-VASS) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Cơ sở dữ liệu Kho Trung Quốc cổ: tiềm năng khai thác giá trị khoa học”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm giới thiệu thực trạng Kho Trung Quốc cổ, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu với hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, phát huy giá trị kho tài liệu quý hiếm, để có thể chia sẻ và lan toả tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội  phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu nước ngoài có TS. Nguyễn Thành Nam, Đại học Fullbright Việt Nam; PGS.TS. Hứa Di Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Văn hóa Trung Quốc, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc; NCS Quản Hạo, Học viện Khoa học xã hội, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc; TS. Lý Quý Dân, Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan, Trung Quốc.

Về phía các học giả, nhà nghiên cứu trong nước có GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng ISSI; TS. Trần Việt Hoa,  Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; cùng các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm khoa học Văn Miếu – Quốc Tử giám, Viện Thông tin Khoa học xã hội và một số viện trực thuộc VASS.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng ISSI và PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng ISSI đồng chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng ISSI cho biết, trong số những di sản tư liệu mà EFEO để lại cho Thư viện KHXH do Viện Thông tin Khoa học xã hội được giao quản lý, đáng chú ý là Kho tư liệu Trung Quốc cổ với trên 30.000 cuốn sách- là tài liệu cổ quý hiếm chủ yếu được xuất bản từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19, với các chủ đề như Lịch sử, Địa lý, Ngôn ngữ học, Tôn giáo, Triết học và Văn học. Đặc biệt là trong kho Trung Quốc cổ có 416 bản đồ có giá trị lớn về mặt lịch sử và địa lý.

PGS.TS. Lê Hải Đăng khẳng định, Hội thảo này rất thiết thực và có ý nghĩa nhằm thảo luận, trao đổi chuyên sâu về các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn gắn với các nguồn tư liệu quý hiện đang lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội – ISSI. Trên cơ sở đó, Viện Thông tin Khoa học xã hội tiếp tục các kế hoạch quảng bá, khai thác, nghiên cứu Kho tư liệu Trung Quốc cổ nói riêng và các kho tư liệu quý tại Thư viện Khoa học xã hội nói chung để phục vụ tốt nhất cho công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan.

 

GS.TS. Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội phát biểu ý kiến tại Hội thảo

TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trưởng nhóm nghiên cứu xây dựng, chỉnh lý, hiệu đính cơ sở dữ liệu thư mục </br>kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH

Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Ban tổ chức đã lựa chọn 8 báo cáo trình bày trực tiếp và trực tuyến và được chia thành 02 phiên: Phiên 1. “Kho tư liệu Trung Quốc cổ: một số nghiên cứu ban đầu giá trị và tiềm năng nghiên cứu”; Phiên 2. “Giá trị khoa học và hoạt động thư viện nhằm bảo tồn, quảng bá kho tư liệu Trung Quốc cổ - kinh nghiệm từ thực tế”.

Các đại biểu trình bày báo cáo và thảo luận tại Hội thảo

PGS.TS. Hứa Di Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Văn hóa Trung Quốc, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc,</br> trình bày báo cáo trực tuyến

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận cũng như những trao đổi có giá trị cao về khoa học, thông tin tư liệu, tập trung vào một số nội dung: (i) Những thông tin có giá trị về di sản tư liệu hiện có tại kho EFEO như giá trị của bộ Đại tùng thư “Vũ Lâm chưởng cổ tùng luận”, Bộ “Việt Kiệu thư”, “Tứ thư đại toàn”, cuốn sách “Giao Chỉ danh xưng khảo”, bộ sách “Cổ kim đồ thư tập thành”… qua đó góp phần làm rõ thêm về lai lịch, ảnh hưởng và sự đặc sắc về nội dung của một phần nhỏ các tư liệu được tiếp cận trong kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội; (ii) Khai mở kho sách và cho phép độc giả tiếp cận kho sách nhằm kết nối thế hệ, tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực trong bối cảnh toàn cầu; (iii) Tăng cường sự hiểu biết về cổ ngữ để hiểu văn bản một cách toàn vẹn và đầy đủ. (iv) Cách tổ chức khai thác, nghiên cứu về mặt giá trị nội dung và lịch sử của tư liệu được cho là độc bản…

Toàn cảnh Hội thảo

Sự đa dạng trong cách tiếp cận của các học giả, chuyên gia qua các bài tham luận đã bước đầu tạo nên bức tranh đa màu sắc về giá trị của kho Trung Quốc cổ đang được lưu trữ tại Thư viện KHXH. Vượt qua những khó khăn trong tiếp cận tài liệu, nhiều học giả đã nghiên cứu khái quát hoặc lựa chọn đi sâu nghiên cứu về giá trị của một cuốn sách, một bộ sách, nghiên cứu đối chiếu, so sánh các phiên bản lưu trữ tại các nơi khác nhau, qua đó góp phần làm rõ thêm về lai lịch, ảnh hưởng và sự đặc sắc về nội dung của một phần nhỏ các tư liệu được tiếp cận trong kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH. Việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị kho Trung Quốc cổ cũng được nhiều học giả, chuyên gia quan tâm trong các tham luận.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng ISSI cho biết, Ban lãnh đạo Viện Thông tin KHXH cảm nhận được sự mong muốn kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH phải sớm được nhiều nhà nghiên cứu, học giả của Việt Nam và quốc tế được tiếp cận, nghiên cứu sâu, để những giá trị quý, hiếm của kho tư liệu được quảng bá rộng rãi và phát huy giá trị, để kho tư liệu được bảo quản, gìn giữ đảm bảo lưu truyền cho nhiều thế hệ sau. Viện xác định đây là hội thảo có tính khởi động cho các hoạt động hợp tác khoa học và nghiệp vụ thư viện trong tương lai với các đối tác tiềm năng phù hợp. Để tiếp tục phát huy giá trị kho Trung Quốc cổ này đòi hỏi Viện phải quy tụ được nhiều chuyên gia của Việt Nam và quốc tế có đủ khả năng đọc và hiểu ngôn ngữ của kho tư liệu, đủ khả năng đi sâu nghiên cứu, đối chiếu, so sánh, hỗ trợ Viện hoàn thiện, quảng bá cơ sở dữ liệu thư mục, đồng thời phải xây dựng được các dự án đầu tư tăng cường năng lực, tìm kiếm các nguồn kinh phí cho hoạt động số hóa, bảo quản.

Thông qua các tham luận và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, Viện Thông tin KHXH đã nhận được nhiều gợi mở nhằm tiếp tục quảng bá, khai thác, nghiên cứu kho Trung Quốc cổ, yêu cầu số hóa, bảo quản kho tư liệu quý hiếm này, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế và trong nước./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguyễn Minh Hồng

 

 

Các tin đã đưa ngày: