Tham dự Hội nghị có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; ThS. Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức- Cán bộ; Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập và Thư ký Tòa soạn các tạp chí; các cán bộ, viên chức Ban Tổ chức- Cán bộ, Ban Kế hoạch- Tài chính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tập trung vào việc thực hiện công tác Tạp chí của Viện Hàn lâm theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm sẽ tiến hành triển khai, cơ cấu lại 33 Tạp chí chuyên ngành và chuyển cơ quan chủ quản về từng đơn vị theo đúng qui định của Nhà nước về Luật Báo chí. Theo đó, mỗi cơ quan, địa phương chỉ có một cơ quan báo chí, Viện Hàn lâm chỉ là cơ quan chủ quản đối với Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận các mục tiêu, giải pháp thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại 33 Tạp chí chuyên ngành, phát triển các Tạp chí theo hướng hiện đại hóa, tránh sự chồng chéo, trùng lắp, đầu tư giàn trải, quản lý lỏng lẻo…Bên cạnh đó, các đơn vị chủ quản cần quán triệt rõ lộ trình, mục tiêu, giải pháp của việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các Tạp chí sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao. Cụ thể là thống nhất mục tiêu, quan điểm, chủ trương; trao đổi vấn đề về nhân sự, bổ nhiệm…hạn chế tối đa những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Báo cáo thực trạng tổ chức và nhân sự của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm do ThS. Ngô Tiến Phát, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ trình bày.
Về tổ chức bộ máy của các Tạp chí, theo Quyết định số 652/QĐ-KHXH ngày 7/5/2013 của Chủ tịch Viện về quy định các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm có 34 tạp chí trực thuộc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động, trong đó:
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan ngôn luận, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Hàn lâm được quy định tại Nghị định số 108/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm; Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và hoạt động do Chủ tịch Viện Hàn lâm ban hành. Trong cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam có 04 tổ chức cấp phòng.
33 tạp chí chuyên ngành và đa ngành (hiện nay còn 32 tạp chí do sáp nhập tạp chí Phát triển kinh tế- xã hội của Viện Kinh tế Việt Nam xuất bản bằng tiếng Anh vào Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế), các tạp chí là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của các đơn vị, là diễn đàn khoa học của ngành, của bạn đọc quan tâm đến những tiến bộ và các kết quả trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả trong và ngoài nước. Các Tạp chí nằm trong cơ cấu tổ chức của 32 tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng công bố, giới thiệu các kết quả nghiên cứu về những vấn đề lý luận, thực tiễn phát triển của đất nước; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, thông tin giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam với bạn đọc trên thế giới và của thế giới với bạn đọc Việt Nam; phổ biến tri thức khoa học xã hội, góp phần phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí. Các tạp chí là đơn vị hạch toán phụ thuộc có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch. Trong cơ cấu tổ chức bộ máy của các tạp chí có Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn và các nhân viên.
Căn cứ theo quy định tại điểm c, d Mục II Điều 1 Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025:
c) “Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có 01 cơ quan Tạp chí.
d) Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cơ quan tạp chí này thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật”.
Đến thời điểm tháng 2/2023, Viện Hàn lâm chưa thực hiện thay đổi cơ quan chủ quản của các tạp chí theo quy định tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Chính phủ. Theo đó, để duy trì 32 tạp chí chuyên ngành, đa ngành Viện Hàn lâm sẽ giao các đơn vị trực thuộc có tạp chí là cơ quan chủ quản của tạp chí.
Về nhân sự lãnh đạo tạp chí, hiện nay nhân sự lãnh đạo của 32 tạp chí đa ngành, chuyên ngành có: 47 người (phần lớn do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng kiêm nghiệm), cụ thể:
-26 Tổng biên tập, gồm có: 11 Viện trưởng, Quyền Viện trưởng, Chánh Văn phòng kim nghiệm, 02 Phó Viện trưởng kiêm nghiệm; 07 Tổng biên tập đang kéo dài thời gian công tác;
- 03 Quyền Tổng biên tập, gồm có: 02 Viện trưởng kiêm nhiệm
- 17 Phó Tổng biên tập, gồm có: 02 Viện trưởng; 10 Phó Viện trưởng kiêm nhiệm
- 05 Phó Tổng biên tập phụ trách, gồm có: 02 Phó Viện trưởng và 01 Phó Giám đốc kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Báo chí năm 2016: “Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vị, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc…”.
Ban Tổ chức – Cán bộ đề nghị Lãnh đạo Viện Hàn lâm cho thôi giữ chức vụ Tổng biên tập đối với các tạp chí có Viện trưởng kiêm Tổng biên tập theo quy định.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến, trao đổi, thảo luận. Các đại biểu đều thống nhất với báo cáo trình bày tại Hội nghị và đưa ra các ý kiến liên quan đến công tác nhân sự, bổ nhiệm, phụ cấp; tham khảo mô hình tạp chí các đơn vị khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm theo hướng hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Đặng Xuân Thanh đề nghị Ban Tổ chức- Cán bộ và các đơn vị trực thuộc nêu cao tinh thần trách nhiệ, phối hợp cùng các Ban chức năng rà soát lại các qui định, thực hiện tốt công tác tham mưu nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các Tạp chí, góp phần giữ vững sự ổn định, phát triển của các Tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang