Hội nghị Tập huấn và tổng kết, đánh giá công tác tạp chí, xuất bản năm 2013
  • 3.6 top logo - hoat dong thong tin thu vien tap chi

Hội nghị Tập huấn và tổng kết, đánh giá công tác tạp chí, xuất bản năm 2013

19/11/2013

Trong ba ngày, từ 14-16/11/2013, tại thành phố Ninh Bình, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tập huấn và tổng kết, đánh giá công tác tạp chí, xuất bản năm 2013.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện; Giám đốc và Phó giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa; Tổng biên tập, Phó tổng biên tập các Tạp chí chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm và các cán bộ đang làm công tác biên tập tại các tạp chí chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Khách mời: PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Chủ nhiệm Khoa Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh: ngoài chức năng cơ bản là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về khoa học xã hội, hoạt động tạp chí, xuất bản cũng giữ vị trí rất quan trọng trong công tác phổ biến, tuyên truyền các kết quả, thành tựu nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm). Trong thời gian qua, với 34 tạp chí và 2 nhà xuất bản, hàng năm Viện Hàn lâm công bố rất nhiều công trình khoa học của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm cũng như của các nhà khoa học khác liên quan tới lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong hoạt động tạp chí, việc đăng tải các công trình khoa học nhằm phổ biến các nghiên cứu cho xã hội đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác tạp chí, xuất bản cũng đứng trước nhiều thách thức, hầu hết các cán bộ hiện làm công tác tạp chí là các nhà khoa học, một số ít các đồng chí có nghiệp vụ báo chí, do vậy mà công tác tạp chí còn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để các tạp chí có được chỗ đứng tốt nhất trong xã hội trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển là một câu hỏi lớn được đặt ra và cần làm rõ. Ngoài ra, các công tác hỗ trợ chế độ chính sách cho các cán bộ làm tạp chí, xuất bản, công tác phát hành… là những vấn đề lớn cần quan tâm, chỉ đạo và thực hiện từ các cấp. Thông qua Hội nghị này Giáo sư Phó Chủ tịch đã bày tỏ mong muốn các tham luận và thảo luận tập trung để tìm ra những phương hướng giải quyết tốt nhất nhằm phát triển công tác báo chí, xuất bản của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra trong giai đoạn tới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững phát biểu tham luận tại Hội nghị

 

Hội nghị đã nghe các báo cáo chuyên đề: i) Một số vấn đề nghiệp vụ báo chí, xuất bản cần quan tâm hiện nay (do PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày); ii) Tình hình hoạt động của Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); iii) Đề án xây dựng Tuần báo Khoa học xã hội Việt Nam, nâng cao chất lượng Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam); iv) Công tác báo chí, xuất bản tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: thực trạng và giải pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tạp chí, xuất bản (TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ); v) Vấn đề kinh phí cho hoạt động tạp chí, xuất bản (TS. Nguyễn Thị Hồng Phấn, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính).

Trong báo cáo chuyên đề “Một số vấn đề nghiệp vụ báo chí, xuất bản cần quan tâm hiện nay”, PGS.TS.Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh: Hiện nay báo chí Việt Nam đang diễn ra hiện tượng thừa, trùng lặp, đi ngược lại với xu thế chung với thế giới vì hiện tượng báo in ra đời ngày càng nhiều, trong khi đó thế giới lại chú trọng đến việc phát triển báo điện tử vì phát huy được lợi thế “sức mạnh mềm” của công nghệ thông tin… Phó giáo sư cũng bày tỏ quan ngại trước những khó khăn mà hệ thống tạp chí nói chung đang gặp phải, đó là vấn đề các tạp chí gặp khó khăn trong việc tiếp cận và kết nối được với độc giả, khó khăn trong việc tạo lập hệ thống các chuyên gia và các nhà khoa học do chế độ chính sách còn nhiều hạn chế…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu có nhiều năm thâm niên công tác trên cương vị Tổng biên tập các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm, tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực trạng công tác xuất bản tạp chí, chất lượng các bài nghiên cứu đăng tải, chế độ chính sách và các vấn đề khó khăn mà hệ thống tạp chí của Viện Hàn lâm đang gặp phải. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng công tác tạp chí, xuất bản gặp rất nhiều khó khăn, trước sự cạnh tranh quá lớn của các ấn phẩm mang hơi thở xã hội, ấn phẩm nghiên cứu dường như phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận độc giả, chất lượng bài viết chưa cao, kinh phí nhuận bút thấp …. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi và những thách thức trong việc xây dựng Tuần báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đề xuất thay ấn phẩm báo giấy bằng báo điện tử có chất lượng thì sẽ khả thi và hợp với xu hướng phát triển hơn. Các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, bồi dưỡng và đào tạo cho cán bộ đang làm công tác biên tập tại các tạp chí cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp và bàn luận sôi nổi tại Hội nghị.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu kết luận tại Hội nghị

 

Phát biểu tổng kết Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chỉ rõ: đây là hội nghị lồng ghép ba nội dung: tổng kết công tác tạp chí, công tác xuất bản, hoạt động của Liên Chi hội nhà báo Viện Hàn lâm. Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn vào nhiều vấn đề có tính gai góc, đánh giá và tổng kết được những điểm tích cực và hạn chế. Về công tác tạp chí, Giáo sư Chủ tịch Viện khẳng định: trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các tạp chí đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, không có tạp chí nào bị các cơ quan quản lý công tác báo chí có ý kiến về nội dung đăng tải. Các tạp chí đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu bản thảo các bài viết tốt, tuy nhiên cần phân biệt nguồn bài viết do các tác giả ngoài Viện Hàn lâm gửi đến và nguồn bài viết là kết quả các công trình khoa học của các cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm, từ đó tập trung ưu tiên cho các bài viết chắt lọc kết quả nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu tại các viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm để khẳng định vị trí, trình độ nghiên cứu của cán bộ trong đơn vị. Công tác phát hành tạp chí còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù là các tạp chí khoa học, kén độc giả, đối tượng độc giả chủ yếu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, bên cạnh đó là sự phát triển rất nhanh của internet, của báo điện tử tạo nên sự cạnh tranh cao với báo giấy, song chính đặc thù này đã khẳng định những giá trị chất xám trong nội dung các bài viết mà hệ thống các tạp chí cung cấp cho độc giả. Để tiếp tục củng cố và phát triển các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm, cần có sự đánh giá các tạp chí từ khâu quản lý, tổ chức và phát hành để tìm ra được nguyên nhân của khó khăn; cần rà soát lại công tác phát hành trên cơ sở thống nhất quan điểm là phát hành ít không đồng nghĩa với kém chất lượng, không chạy theo số lượng phát hành; cần lưu ý các tạp chí phát hành ít, bài viết chất lượng kém nhưng vẫn xin tăng số, tăng trang; các tạp chí cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban chức năng của Viện Hàn lâm để phân loại, đánh giá các tạp chí, tìm ra những tạp chí hoạt động tốt, có chất lượng để đầu tư trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Đối với công tác tổ chức cán bộ của tạp chí, Viện Hàn lâm đã có kế hoạch làm việc với các cơ quan Nhà nước quản lý về báo chí để hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ theo hướng không nên quá chuẩn hóa bằng cấp nghiệp vụ, không nên nặng về nghiệp vụ báo chí mà bỏ qua chuyên ngành khoa học xã hội bởi thực tế cán bộ tốt nghiệp ngành báo chí nhưng không có chuyên môn về khoa học xã hội không thể làm tốt được tại các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm. Về tài chính cho các tạp chí, để có cơ sở đầu tư tập trung, trọng điểm, cần phải xây dựng hệ thống đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của các tạp chí. Viện Hàn lâm đang nghiên cứu cơ chế khoán chi đầu ra và sẽ làm việc với Bộ Tài chính về vấn đề này. Ý tưởng xây dựng Tuần báo Khoa học xã hội là ấn phẩm phản ánh đời sống khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm nói riêng và của Việt Nam nói chung là hết sức cần thiết. Trong điều kiện hiện nay, nên cân nhắc để xây dựng theo hướng tuần báo điện tử. Về công tác xuất bản, trong thời gian qua có nhiều điểm mới, kế hoạch xuất bản đã đổi mới, các đề tài đạt loại khá trở lên và được phép xuất bản được gửi thẳng đến nhà xuất bản dưới hình thức gần như khoán. Tuy nhiên, lượng bản thảo khá hạn chế do một số chủ nhiệm đề tài sau khi nghiệm thu không có ý định xuất bản. Kế hoạch sáp nhập 2 nhà xuất bản về cơ bản đã hoàn thành. Về hoạt động của Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thời gian qua hoạt động còn khá mờ nhạt, làm cho hội viên chưa thấy rõ sự gắn bó của mình trong Liên chi hội. Hoạt động của Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm phải gắn chặt với hoạt động của tạp chí, phải khẳng định được vị trí của Liên Chi hội trong hệ thống hoạt động các tạp chí của Viện Hàn lâm để nâng cao tiếng nói của Liên Chi hội nhằm thúc đẩy được hoạt động của tạp chí, xuất bản tại Viện Hàn lâm lên một tầm cao mới.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc thành công và thu được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi và hiệu quả.

 

Phạm Vĩnh Hà

Các tin đã đưa ngày: