|
|
|
PGS.TS. Vương Xuân Tình, phát biểu tại Hội nghị
|
|
Toàn cảnh Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2014 |
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, PGS.TS. Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học đã nhấn mạnh những mục đích của Hội nghị này, đó là: Tổng kết vấn đề nghiên cứu về tộc người của nước ta từ năm 1980 đến nay; Kết nối các đơn vị, tổ chức, cá nhân nghiên cứu về tộc người trong cả nước; Xây dựng định hướng hợp tác nghiên cứu của Viện Dân tộc học với các đơn vị, tổ chức và cá nhân…; Góp phần xây dựng nền tảng nghiên cứu cơ bản cho ngành Dân tộc học/Nhân học; Cung cấp thêm cứ liệu để Viện Dân tộc học biên soạn bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” từ năm 1986 đến nay.
Hội nghị được tổ chức đồng thời cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu về dân tộc học/nhân học gặp gỡ, chia sẻ và bày tỏ những quan điểm nghiên cứu về các vấn đề liên quan, trao đổi những vấn đề học thuật và cùng nhau lý giải những vấn đề còn tồn đọng và nổi lên trong nghiên cứu. Năm nay Hội nghị đã nhận được 107 báo cáo, tập trung vào chủ đề:
(1) Các vấn đề chung (17 báo cáo); (2) Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao và Hán – Tạng (51 báo cáo); (3) Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo (22 báo cáo, trong nhiều nhất là Chăm với 11 báo cáo); (4) Các vấn đề khác (17 báo cáo). Từ các chủ đề này, Hội nghị được chia thành 3 phiên thảo luận, tương ứng với 3 nhóm vấn đề là: Những vấn đề chung, Nghiên cứu về các dân tộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao; Hán – Tạng từ năm 1980 đến nay và Nghiên cứu về các dân tộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo từ năm 1980 đến nay.
PGS.TS.Vương Xuân Tình và PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng tặng sách và chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả có tên trong cuốn sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” tái bản năm 2014
|
|
Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng bộ sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” gồm 2 tập cho các tác giả hiện đang sinh sống tại Hà Nội có tên trong bộ sách. Đây là bộ sách được Viện Dân tộc học biên soạn và xuất bản từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, sau khi Viện thành lập được 10 năm (ra mắt tập 1) và 14 năm (ra mắt tập 2). Bộ sách được đánh giá như là công trình dân tộc học đầu tiên, một “bách khoa thư” về các dân tộc ít người ở Việt Nam và đến năm 2014 được tái bản, bổ sung, sửa chữa. Công trình này được Viện Dân tộc học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội phối hợp thực hiện như là món quà tri ân với các tác giả và lãnh đạo tiền nhiệm của Viện Dân tộc học cũng như với lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và toàn thể các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện.
Đây là Hội nghị thu hút được số lượng báo cáo nhiều nhất trong vòng 3 năm gần đây. Điều đó cho thấy các vấn đề về dân tộc/nhân học đã luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo các nhà nghiên cứu trong cả nước. Hội nghị đã kết thúc thành công và thu được nhiều ý kiến gợi mở và trao đổi của các nhà khoa học về những thành tựu nghiên cứu tộc người từ năm 1980 đến nay, các kết quả đạt được sẽ là cơ sở để Viện Dân tộc học xây dựng các hướng phát triển mới với các cá nhân, đơn vị, tổ chức nghiên cứu về dân tộc học trong cả nước, góp phần thiết thực hơn nữa trong triển khai chính sách về tộc người của Việt Nam, xây dựng nền tảng nghiên cứu và đào tạo cơ bản cũng như phát triển các hướng nghiên cứu mới cho ngành dân tộc học/nhân học trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước./.
Phạm Vĩnh Hà