Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2016 “Một số vẩn để cơ bản, cấp bách của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay: Lý luận và thực tiễn”
  • 3.6 top logo - hoat dong thong tin thu vien tap chi

Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2016 “Một số vẩn để cơ bản, cấp bách của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay: Lý luận và thực tiễn”

27/10/2016

Thực hiện chương trình tổ chức Hội nghị Thông báo Dân tộc học thường niên năm 2016, được sự cho phép của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sáng ngày 27 tháng 10 năm 2016, tại Hội trường 3D nhà A, trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Dân tộc học tổ chức Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2016 với chủ đề: “Một số vẩn để cơ bản, cấp bách của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay: Lý luận và thực tiễn”.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành <br>Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm <br>phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị vinh dự được đón tiếp nhiều vị đại biểu, khách quý đại diện cho lãnh đạo các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và quản lý Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, về phía Viện Hàn lâm có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính; Các Viện trưởng, Phó Viện trưởng các Viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc. Về phía các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và quản lý Nhà nước có: TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; PGS.TS. Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; TS. Đặng Văn Trọng, Phó Chính ủy Học viện Biên phòng; cùng nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đang công tác tại các tổ chức nghiên cứu, đào tạo ở Hà Nội và một số địa phương trong cả nước.

Hội nghị do PGS.TS. Bùi Nhật Quang, TS. Phan Văn Hùng, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Bùi Nhật Quang thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học và toàn thể quý vị đại biểu đã có mặt tại Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2016. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc và đã thực hiện một cách hiệu quả nhiều chính sách dân tộc quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trường nhanh và bền vững, chính trị - xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, quyền của người dân các dân tộc được đảm bảo, tỷ lệ và mức độ đói nghèo liên tục giảm, chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng và thông tin truyền thông phát triển tương đối đồng bộ… Có được những thành tựu đó là nhờ sự nỗ lực của toàn dân, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó có một phần không nhỏ của hệ thống chính sách dân tộc, hệ thống tổ chức làm công tác dân tộc, của các cơ quan nghiên cứu và đào tạo về dân tộc học/nhân học trên cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và có những giải pháp phù hợp.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, TS. Phan Văn Hùng, PGS.TS. Lâm Bá Nam và PGS.TS. Nguyễn Văn Minh đồng chủ trì Hội nghị       TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Dân tộc học tổ chức Hội nghị Thông báo Dân tộc học thường niên năm 2016 với mục đích nhằm góp phần cập nhật, đánh giá các vấn đề cơ bản, cấp bách của các dân tộc ở nước ta hiện nay để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, đào tạo về Dân tộc học/Nhân học trong những năm tiếp theo, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện thành công chính sách dân tộc cũng như giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. PGS.TS. Bùi Nhật Quang đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận về hai vấn đề trọng tâm sau:

1) Các vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta, nhất là về thực trạng, bản chất, nguyên nhân, ảnh hưởng và xu hướng vận động của các vấn đề dân tộc cơ bản, cấp bách hiện nay.

Toàn cảnh Hội nghị

2) Đề xuất, khuyến nghị các định hướng, nội dung nghiên cứu, các chiến lược và giải pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, khu vực và thế giới.

Ban Tổ chức cho biết, Hội nghị nhận được trên 100 báo cáo tham luận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương quan tâm đến các vấn đề dân tộc. Các báo cáo đã phân tích, đánh giá về những vấn đề chung và riêng của các dân tộc ở nước ta trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Về những vấn đề chung có 24 báo cáo tham luận; về những vấn đề kinh tế xã hội có 77 báo cáo tham luận.

Hội nghị đã nhận được 16 lượt trình bày tham luận và phát biểu ý kiến thảo luận về những vấn đề mà các nhà khoa học, các bộ, ban ngành, các tổ chức liên quan quan tâm. Các nội dung thảo luận diễn ra sôi nổi, tập trung vào những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc và các tộc người ở nước ta hiện nay trong sự đối chiếu, so sánh với các tộc người và các vấn đề dân tộc ở các quốc gia láng giềng và khu vực. Những vấn đề trao đổi, thảo luận tại Hội nghị là những vấn đề lớn, phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu sâu và rộng hơn trên cơ sở so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn trong thời gian tới Viện Dân tộc học phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức những nghiên cứu với các bạn Lào, Campuchia; tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực để góp phần nâng cao hiểu biết lẫn nhau hơn trong vấn đề dân tộc xuyên biên giới để có chính sách phối hợp tốt hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học <br>phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học cho biết, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về những vấn đề cơ bản, cấp bách sẽ được tổng hợp thành một báo cáo ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ để gửi đến các cơ quan, tổ chức quan tâm đến những vấn đề dân tộc ở nước ta và đưa vào lời giới thiệu cuốn Kỷ yếu của Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2016 dự kiến xuất bản vào đầu năm 2017. Thay mặt đồng chủ trì Hội nghị, Viện trưởng Viện Dân tộc học chia sẻ với Hội nghị một số vấn đề trọng yếu cần được tiếp tục thảo luận nghiên cứu:

(1) Vấn đề nguồn gốc lịch sử, quá trình tộc người, sự hội nhập của quốc gia Việt Nam và vai trò của các tộc người trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước ta hiện nay.

(2) Quan hệ dân tộc, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh đa số, giữa người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa người dân với hệ thống chính trị, với đội ngũ cán bộ và chế độ ta. Vấn đề này đang gây ảnh hưởng đến ý thức tộc người, ý thức quốc gia, tính thống nhất của văn hóa và cộng đồng quốc gia Việt Nam hiện nay.

(3) Các vấn đề tộc người, dân tộc, tôn giáo ở vùng biên giới nước ta liên xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng, trong khu vực và trên quốc tế đang đặt ra những vấn đề dân tộc, tộc người rất cơ bản và cấp bách, đặc biệt là sự ly tâm về phía bên kia biên giới và ra nước ngoài của một bộ phận người dân ở nước ta, đặc biệt là các tộc người, các bộ phận dân cư có mối quan hệ dân tộc, đồng tộc ở ngoài biên giới nước ta. Những vấn đề này liên quan đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Đặt ra vấn đề nghiên cứu, so sánh về các vấn đề dân tộc, tộc người, chính sách dân tộc ở vùng biên cương của nước ta và của các nước láng giềng, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chính sách dân tộc, chính sách vùng biên cương của các nước láng giềng đến các vấn đề dân tộc, tộc người ở nước ta hiện nay.

(4) Sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng giữa các tộc người, các vùng miền dẫn đến mâu thuẫn xã hội, quyền phát triển bình đẳng, hưởng dụng của các dân tộc đối với các nguồn lực công, chính sách công của Nhà nước hiện nay đang đặt ra những vấn đề cần phải nghiên cứu sâu hơn.

(5) Sự hạn chế của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ; hiệu lực của pháp luật, của chính sách chưa cao khiến công tác quản lý xã hội chưa tốt, niềm tin của người dân bị suy giảm.

(6) Không gian sinh tồn của người dân, của các cộng đồng dân cư bị thu hẹp, suy giảm về chất lượng sống, nhất là thiếu tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất rừng, thiếu việc làm, thiếu thu nhập.

 (7) Chính sách dân tộc, công tác dân tộc còn nhiều hạn chế, bất cập đặt ra vấn đề tiếp tục đánh giá, tổng kết về quá trình hoạch định, thẩm định, thực hiện, kiểm tra, giám sát và phản biện chính sách để đổi mới chính sách dân tộc từ cách tiếp cận phù hợp hơn để làm sao dân biết, dân bàn, dân tham gia và dân được hưởng lợi từ chính sách.

Có thể khẳng định rằng, Hội nghị đã đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu đã đề ra, đó là góp phần nhận diện, cập nhật, đánh giá các vấn đề cơ bản, cấp bách của các dân tộc ở nước ta hiện nay để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, đào tạo về Dân tộc học/Nhân học trong thời gian tới, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện thành công chính sách dân tộc cũng như giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc, tộc người ở nước ta trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: