Cắt băng Khai trương "Phòng Trưng bày Bộ sưu tập tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa - Biển Đông" tại Thư viện Khoa học xã hội
|
|
Tham dự Lễ khai trương có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng Đoàn thanh niên, Văn phòng Công đoàn, đại diện các ban chức năng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); một số cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội cùng toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Thông tin.
Phòng trưng bày có 8 nhóm tài liệu với tổng số 190 đơn vị tài liệu gồm: 24 bản đồ; 4 ảnh; 40 cuốn sách tiếng Việt; 24 cuốn tạp chí tiếng Việt; 37 số tạp chí Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương; 35 cuốn sách tiếng Pháp trước năm 1954; 5 cuốn sách Latinh mới; 20 cuốn sách tiếng Trung Quốc cổ.
Đến với Trưng bày, công chúng có cơ hội tiếp cận với các tài liệu tiếng Trung Quốc cổ xuất bản từ năm 1178 - 1951 viết về lịch sử Trung Quốc qua các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Thanh, Trung hoa dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều không thấy đề cập tới vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa (hay Tây Sa, Nam Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt, Trưng bày còn có cuốn sách giáo khoa về lịch sử Trung Quốc xuất bản năm 1950, tái bản năm 1951 tại Bắc Kinh dùng để giảng dạy cho công nhân Trung Quốc đã xác nhận rất rõ cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam và trên bản đồ tình thế Trung Quốc ở cuốn sách này cũng không thấy có địa danh Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngoài ra, các bản đồ của người Châu Âu từ thế kỷ XVIII, của người Nhật, người Trung Quốc, người Pháp vẽ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về tình thế Trung Quốc đều chỉ rõ cực Nam đảo Hải Nam là tận cùng phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ Đông Dương, bản đồ Đà Nẵng (Tourane) do người Pháp vẽ đầu thế kỷ XX còn xác định rõ Hoàng Sa thuộc Việt Nam; Các bộ chính sử Việt Nam bằng chữ Hán được dịch ra tiếng Việt và xuất bản từ những năm 1970 đến nay đều cung cấp nhiều bằng chứng về việc xác lập, khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa của các triều đại phong kiến; nổi bật là việc vua Gia Long chính thức xác lập chủ quyền của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816.
Bên cạnh đó, các tài liệu tiếng Pháp cung cấp nhiều minh chứng cho việc tiếp tục thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp cho thấy, cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ đầu thế kỷ XX; Các sách, tạp chí tiếng Việt bao gồm các bài công bố các kết quả nghiên cứu về Biển Đông, về luật biển, về các hoạt động nghề nghiệp và đời sống sinh hoạt tại Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là những minh chứng về việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền liên tục, lâu dài của Việt Nam tại đây…
Do đặc điểm quý hiếm, độc bản của tài liệu, Viện Thông tin chỉ giới hạn trưng bày một số ít bản gốc tài liệu, còn lại chủ yếu là bản sao được số hóa, nhưng tất cả các tài liệu được trưng bày lần này là kết quả sau một thời gian dài sưu tập, nghiên cứu đầy tinh thần trách nhiệm của Ban lãnh đạo và cán bộ Viện Thông tin do GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội khởi xướng.
Đánh giá tầm quan trọng của sự kiện, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nhiệt liệt chào mừng Lễ khai trương và nhấn mạnh: Trưng bày có ý nghĩa xã hội, lịch sử to lớn, quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Các tư liệu được trưng bày sẽ góp phần giúp các nhà nghiên cứu có thêm cứ liệu khoa học trong xây dựng lập luận bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và chứng minh, khẳng định chủ quyền lịch sử lâu dài, liên tục của Việt Nam đối với các vùng biển đảo này. Giáo sư, Phó Chủ tịch Viện hy vọng trong thời gian tới, Lãnh đạo và cán bộ Viện Thông tin sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động thích hợp để truyền tải các thông tin có giá trị trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đến với đông đảo nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Theo kế hoạch Trưng bày sẽ mở cửa phục vụ công chúng miễn phí từ ngày 8/8/2014 đến hết ngày 8/9/2014, từ 8h30 đến 16h30 tất cả các ngày trong tuần (trừ Chủ nhật) tại địa chỉ số 26 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phạm Vĩnh Hà