Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (1990-2015) và Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí
  • 3.6 top logo - hoat dong thong tin thu vien tap chi

Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (1990-2015) và Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí

20/12/2015

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 18 tháng 12 năm 2015, tại hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập (1990-2015) và Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí.

PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch<br>Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội <br>Nhà báo Viện Hàn lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tham dự Lễ kỷ niệm và Hội nghị Cộng tác viên có PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ; Các đồng chí tổng biên tập, phó tổng biên tập, nguyên tổng biên tập các tạp chí thuộc Viện Hàn lâm; Đại diện Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm; Đại diện các cơ quan ban ngành có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới (Tạp chí). Về phía các cộng tác viên có các nhà nghiên cứu, các giảng viên, nhà quản lý thuộc các viện nghiên cứu, các bộ, ngành, trường đại học, các nhà nghiên cứu độc lập... Và buổi lễ không thể thiếu sự hiện diện của thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí, các thế hệ cán bộ Tạp chí và cán bộ của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí, khẳng định: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, tiền thân là Tạp chí Khoa học và Phụ nữ, đến nay đã trải qua thời gian 25 năm song hành với sự phát triển của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (trước đây là Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ). So với nhiều tạp chí thuộc Viện Hàn lâm thì Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới còn khá trẻ, tuy nhiên, Tạp chí đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về gia đình, giới và phụ nữ. Là tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực này, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới đã và đang liên tục đổi mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nữa nhu cầu của bạn đọc và sự kỳ vọng của các cộng tác viên. Là cầu nối giữa bạn đọc và các nhà nghiên cứu, những thành tựu đạt được trong 25 năm qua của Tạp chí là kết quả của sự quan tâm của bạn đọc và nỗ lực của các thế hệ tác giả, các cộng tác viên trong và ngoài Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

        PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng kiêm Tổng biên tập <br>Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu tại Lễ kỷ niệm

PGS.TS Nguyễn Hữu Minh đã điểm lại một số dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Tạp chí. Đó là, Tạp chí Khoa học và Phụ nữ ra mắt bạn đọc số đầu tiên vào năm 1990, sau một năm phát hành tờ báo tiền thân là thông tin "Khoa học và Phụ nữ" do GS. Lê Thi làm Tổng biên tập và TS Lê Thị Quý là Thư ký tòa soạn. Tòa soạn và trị sự được đặt tại 6 Đinh Công Tráng, Hà Nội. Số tạp chí “Khoa học và Phụ nữ” đầu tiên phát hành vào tháng 6 năm 1990 với 60 trang, khổ 19x27 cm là một ấn phẩm khá độc đáo. Trên trang bìa có ảnh, ruột có tranh và ảnh minh họa cho các bài về các lĩnh vực hoạt động của phụ nữ. Nội dung bài và mục trong thời kỳ này khá phong phú, các chuyên mục đa dạng, xen kẽ giữa bài nghiên cứu với thông tin trong nước và quốc tế. Điều này đáp ứng nhu cầu tìm hiếu của bạn đọc trước một lĩnh vực nghiên cứu mới, nhất là khi các công trình nghiên cứu về các lĩnh vực hoạt động của phụ nữ trong nước còn ít về số lượng.

Năm 1993, Tạp chí đổi tên từ “Khoa học và Phụ nữ” thành “Khoa học về Phụ nữ” với mục đích nhấn mạnh trọng tâm nghiên cứu khoa học về phụ nữ. Tiếp tục đổi mới, vào năm 2000, Tạp chí đã tăng số kỳ phát hành từ 4 kỳ/năm lên 6 kỳ/năm, tăng số trang từ 60 lên 64 trang.

Ngoài ra, trong giai đoạn 1995-2000, Tạp chí phát hành một ấn phẩm Nguyệt san phục vụ đông đảo bạn đọc là "Gia đình ngày nay". Với 28 trang in, cùng nhiều ảnh và tranh minh họa, "Gia đình ngày nay" đã đem đến cho bạn đọc những bài viết nhẹ nhàng, sinh động nhằm đề cao các giá trị tốt đẹp của gia đình và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, phổ biến kiến thức phổ thông về giới tính, sức khỏe sinh sản, tâm lý lứa tuổi.

Cũng trong giai đoạn này, Tạp chí tiếng Anh được phát hành cùng với ấn phẩm tiếng Việt. Lúc đầu, việc phát hành Tạp chí tiếng Anh dựa trên sự hợp tác xuất bản với Vietnam Social Sciences với hai số tạp chí nhân kỷ niệm 5 năm và 10 năm thành lập Trung tâm (số 4 năm 1992 và số 2 năm 1997). Năm 2002, Tạp chí tiếng Anh mang tên "Family and Women Studies" đã phát hành số đầu tiên và ra định kỳ 2 kỳ/năm.

Có thể nói, giai đoạn đầu tiên của Tạp chí đã đặt những nền móng quan trọng về mọi mặt cho sự phát triển sau này. Trong giai đoạn này, các hướng đi đều đã được cân nhắc và thử nghiệm, các cán bộ được thử thách trong nhiều loại công việc khác nhau. Kinh nghiệm thu được qua giai đoạn đầu là những tài sản quý giá để Tạp chí bước vào giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm       Lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ điều hành Lễ kỷ niệm

Năm 2006, Tạp chí có sự thay đổi cơ bản. Được đổi tên thành "Nghiên cứu Gia đình và Giới", trọng tâm của Tạp chí lúc này được xác định là công bố các kết quả nghiên cứu khoa học về hai lĩnh vực gia đình và giới. Đặc biệt, từ tháng 10/2006, Viện ra quyết định thành lập Hội đồng Biên tập gồm các nhà khoa học có uy tín của ngành. Danh sách Hội đồng được công bố thường xuyên trên các số Tạp chí.

Cũng vào năm 2006, Tạp chí tiếng Anh được đổi tên là "Vietnam Journal of Family and Gender Studies" với một số đổi mới căn bản về nội dung và hình thức. Tạp chí tiếng Anh đã góp phần tích cực vào việc giới thiệu với độc giả sử dụng tiếng Anh các kết quả nghiên cứu mới về phụ nữ, gia đình và giới ở Việt Nam, xuất phát từ cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu Việt Nam, phản ánh những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời, thông qua đó cung cấp thông tin đa dạng và phong phú về quá trình đổi mới kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung với bạn đọc nước ngoài. Các bài viết đăng tải trên Tạp chí tiếng Anh đã được một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài công nhận đáp ứng tiêu chuẩn bài công bố trên tạp chí khoa học cho các nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

 

Không ngừng đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa đã và đang tiếp tục đặt ra những thách thức to lớn cho đội ngũ cán bộ Tạp chí. Để hoàn thành trọng trách này, Tạp chí đã nhận được sự đóng góp to lớn của đội ngũ cộng tác viên - các tác giả bài viết trên khắp cả nước. Đội ngũ này không ngừng được mở rộng về số lượng và đa dạng về thành phần. Đó là các giảng viên, cán bộ thuộc các Viện nghiên cứu, các Bộ, ngành và các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu độc lập, các học giả nước ngoài và các nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước. Có thể nói, đội ngũ cộng tác viên chính là những người góp phần quan trọng tạo nên những bước phát triển và đổi mới của Tạp chí trong suốt quá trình phát triển.

Trong những năm qua Tạp chí luôn là diễn đàn đăng tải các kết quả nghiên cứu về gia đình, phụ nữ, giới, trẻ em. Tạp chí đã góp phần cụ thể vào việc giải thích, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và cung cấp các luận cứ cho việc xây dựng chính sách về công tác phụ nữ, gia đình và bình đắng giới, đồng thời góp phần thúc đấy công tác nghiên cứu khoa học.

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm và Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm phát biểu chúc mừng Tạp chí, PGS.TS. Phạm Văn Đức nhấn mạnh, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới trong những năm qua đã phát triển không ngừng về mặt số lượng, hình thức, chất lượng bài viết và tính chuyên nghiệp, và ấn tượng hơn là Tạp chí tiếng Anh mỗi năm phát hành được 2 số đã được một số nước công nhận để tính vào kết quả đào tạo sau đại học. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ Tạp chí đã ngày một được nâng lên ngang tầm quốc tế. PGS. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh đến một số vấn đề mà Tạp chí cần quan tâm hiện nay là như: (i) Chất lượng bài tạp chí: tuy phụ thuộc vào chất lượng nghiên cứu nhưng Tạp chí cần gắn kết với cán bộ nghiên cứu, cộng tác viên, đảm bảo các kết quả nghiên cứu tốt phải được công bố trên Tạp chí; (ii) Công tác phát hành: số lượng phát hành hạn chế không chỉ là vấn đề của Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới mà còn của các tạp chí khác của Viện Hàn lâm. Xuất phát từ đặc thù của các tạp chí khoa học chuyên ngành, số lượng bạn đọc mang tính chọn lọc cao, nên Tạp chí cần cần có phương án cân đối giữa in ấn và phát hành, đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả;...

Cũng nhân dịp này, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm gửi lời cảm ơn và tri ân đến GS. Lê Thi cùng các thế hệ lãnh đạo và cán bộ làm công tác Tạp chí với những đóng góp cho sự phát triển của Tạp chí trong những năm qua và mong rằng, trong thời gian tới, Tạp chí sẽ luôn nhận được những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển đi lên của Tạp chí. PGS.TS. Phạm Văn Đức chúc Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới giữ vững vai trò là cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đồng thời là diễn đàn của các nhà khoa học, những người nghiên cứu và giảng dạy những vấn đề về phụ nữ, gia đình và giới trong toàn quốc.

Lễ Kỷ niệm nhận được nhiều lời phát biểu, chia sẻ, góp ý của các thế hệ lãnh đạo Tạp chí và cộng tác viên.

Buổi lễ kết thúc trong không khí trang trọng và ấm áp, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới đã nhận được nhiều lẵng hoa tươi thắm và lời chúc mừng của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm, của các tạp chí bạn và các đại biểu tham dự./.

Nguyễn Thu Hà

Các tin đã đưa ngày: