|
|
|
|
|
|
Mở đầu buổi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã phát biểu ý kiến. Theo Chủ tịch, Ngày Báo chí Cách mạng 21-6 hàng năm chính là dịp để đội ngũ những người làm báo Viện Hàn lâm nhìn nhận lại mình, thể hiện niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác báo chí về lĩnh vực khoa học xã hội. Hơn 30 tạp chí của Viện Hàn lâm hiện nay là một lực lượng đông đảo, là tiếng nói của giới khoa học xã hội cả nước. Các công trình, bài báo trong các tạp chí thể hiện trí tuệ, công sức của các nhà khoa học ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Chủ tịch, các tạp chí cần thể hiện nhiều hơn nữa tiếng nói của giới khoa học trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hay các nghiên cứu mang tính luận cứ hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, hướng tới sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của đất nước… Các vấn đề này cần được công bố thông qua những bài tạp chí có hàm lượng khoa học cao, và do vậy, các tạp chí phải hết sức chú trọng tới vấn đề chất lượng cũng như công tác biên tập phải được coi trọng. Có những vấn đề tưởng chỉ là vấn đề khoa học nhưng lại là vấn đề chính trị. Mỗi biên tập viên phải trang bị những tri thức chuyên môn và bản lĩnh chính trị vững vàng.
PGS.TS. Phạm Văn Đức, Tổng biên tập tạp chí Triết học thay mặt toàn thể các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các tạp chí, cám ơn và xin tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Viện đối với sự nghiệp báo chí khoa học xã hội của Viện Hàn lâm. Tiếp theo là phát biểu bày tỏ cảm xúc, nguyện vọng của: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, Tổng biên tập tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Võ Kim Cương, Tổng biên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc - Tổng biên tập nhà xuất bản Khoa học xã hội; Nguyễn Thị Hảo - một cán bộ biên tập trẻ của tạp chí Triết học… Các ý kiến đều bày tỏ niềm tự hào của những người làm công tác báo chí trên lĩnh vực khoa học xã hội nhưng đồng thời cũng xác định trách nhiệm về công tác nghiệp vụ chuyên môn, vốn phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, nhất là khi phải biên tập những bài chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Viện Hàn lâm nên đầu tư cho các tạp chí về công tác đào tạo cán bộ trẻ và công tác đối ngoại, vì việc thông tin chuyển ngữ bằng tiếng Anh hiện tại còn hạn chế với thế giới. Viện Hàn lâm cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện cải thiện về vật chất, kịp thời động viên anh chị em trực tiếp làm công tác tạp chí.
Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí hết sức thân tình, vui vẻ và đoàn kết.
Phạm Trần Độ